Những bức ảnh tuyệt đẹp khi mặt trăng Hồng tiến gần sao Mộc
(Dân trí) - Thổ dân châu Mỹ đặt tên cho từng mùa trăng tròn để giúp họ theo dõi thời gian. Trăng tròn tháng Tư được gọi là “Mặt trăng Hồng” - là mùa trăng tròn đầu tiên của mùa xuân phía Bắc.
Trăng tròn đầu tiên của mùa xuân phía Bắc tỏa sáng trên bầu trời trong một hiện tượng được gọi là “Mặt trăng hồng”.
“Mặt trăng hồng” không hẳn là màu hồng, mà cái tên đó bắt nguồn từ việc, mặt trăng tròn đầu tiên của tháng Tư ở các nước Bắc bán cầu, thường xuất hiện cùng thời điểm với một loại thảo mộc dại bắt đầu nở hoa màu hồng rực rỡ. Những thổ dân châu Mỹ đặt tên cho mỗi mùa trăng tròn để giúp họ theo dõi thời gian. Mặt trăng Sói là tháng Một, Mặt trăng Tuyết là tháng Hai, Mặt trăng Sâu là tháng Ba, Mặt trăng Hoa là tháng Năm, Mặt trăng Dâu là tháng Sáu…. Trong đó mặt trăng Hồng của tháng Tư còn được gọi là mặt trăng Cỏ hoặc mặt trăng Trứng. Hiện tượng trăng tròn tháng Tư được rất nhiều người chờ đón vì nó đánh dấu mùa lễ hội khắp nơi trên thế giới.
Các nhiếp ảnh gia đã chụp lại được hình ảnh này khi mặt trăng tiến gần đến sao Mộc vào lúc bình minh.
Mặt trăng Hồng xuất hiện ngay lúc bình minh trên cầu dây văng Second Severn Crossing giữa nước Anh và xứ Wales.
Mặt trăng Hồng gần như trùng với mặt trời tại tháp Broadway, Worcestershire.
Mặt trăng chụp được ở gần trạm truyền phát Emley Moor ở Kirklees, West Yorkshire.
Mặt trăng hồng 'tuyệt đẹp' được nhìn thấy trên Nhà thờ Ely ở Cambridgeshire.
Trăng tròn tháng Tư qua một cây hoa anh đào ở Dublin.
Vào thời gian mặt trăng Hồng, người Hindus tổ chức lễ hội Hanuman Jayanti, người Do Thái kỷ niệm Lễ Vượt Qua và người Kitô hữu ăn mừng Lễ Phục Sinh. Vào năm nay, mặt trăng Hồng xuất hiện gần sao Mộc. Theo EarthSky thì trong năm 2017 “Sao Mộc gần trái đất nhất vào ngày 8, tháng Tư, tức là thời điểm sao Mộc sáng nhất và đẹp nhất gần với thời điểm trăng tròn của tháng Tư”. Tháng Tư đến còn mang theo một số sự kiện kỳ thú của vũ trụ, bao gồm cả một trận mưa sao băng và sự xuất hiện của một tiểu hành tinh khổng lồ bay qua trái đất. Theo NASA, đây là tiểu hành tinh bay gần nhất với trái đất ở kích thước như vậy trong một thập niên trở lại đây. Và người ta dự kiến sẽ không có tiểu hành tinh nào bay gần như vậy trong vòng 400 năm tới.
Một chiếc máy bay đang bay qua mặt trăng tròn ở Westminster, London. Trong thời gian này có rất nhiều lễ hội lớn diễn ra trên thế giới: người Hindus mừng lễ Hanuman Jayanti, người Do Thái kỷ niệm Lễ Vượt Qua và người Kitô hữu ăn mừng Lễ Phục Sinh.
Mặt trăng hồng chụp gần trạm phát sóng Emley Moor. Tên trăng được người Mỹ bản địa đặt tên theo mỗi tháng để giúp họ theo dõi thời gian.
Ánh sáng phát ra từ mặt trăng, tạo thành một vòng tròn hào quang rộng, trong bức ảnh chụp vào lúc 11 giờ đêm ở Bishopston.
H. Nguyên
Theo DailyMail