Những bức ảnh hiếm và chuyện giờ mới kể về đám tang của Từ Hi Thái hậu

Huy Hoàng

(Dân trí) - Dù Từ Hi Thái hậu qua đời vào thời điểm những văn minh khoa học hiện đại đã có mặt tại Trung Quốc, nhưng đám tang của bà vẫn thực hiện theo nghi thức truyền thống giống hàng nghìn năm trước.

Từ Hi Thái hậu là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bà là mẹ của Hoàng đế Đồng Trị. Vào ngày 15/11/1908, bà qua đời ở điện Nghi Loan. Thế nhưng sau khi mất, thi thể bà không chôn cất luôn. Tận một năm sau, tới tháng 11/1909, triều đình nhà Thanh mới tiến hành tang lễ cho Từ Hi Thái hậu.

Những bức ảnh hiếm và chuyện giờ mới kể về đám tang của Từ Hi Thái hậu - 1
Chân dung Từ Hi Thái hậu (Ảnh: Sina).

Một trong những nguyên nhân đó là, dù lăng mộ của bà đã hoàn thiện nhưng Thái hậu cho rằng công trình chưa đủ sang trọng. Năm 1895, bà yêu cầu phá bỏ để xây dựng lại. Khi so sánh quy mô phần lăng mộ của Thái hậu được thiết kế xa hoa hơn nhiều so với lăng của Hoàng đế Quang Tự. Bởi vậy, vào thời điểm Thái hậu qua đời, lăng mộ vẫn chưa xong nên việc chôn cất phải tạm hoãn.

Lý do thứ 2, Từ Hi Thái hậu qua đời chỉ một ngày sau khi Hoàng đế Quang Tự băng hà. Dù không có quyền lực trong tay nhưng Quang Tự vẫn là Hoàng đế. Theo quy định của nhà Thanh, tang lễ Hoàng đế phải được tổ chức trước Thái hậu. Sau đó, triều đình phải chờ tới ngày 9/11/1909 mới là ngày tốt để tiến hành.

Khi còn sống, Từ Hi Thái hậu vốn nổi tiếng với lối sống xa hoa. Vậy nên, tang lễ của bà được tổ chức rất hoành tráng không phải là điều khó hiểu. Theo sử sách ghi lại, tuy không phải là Hoàng đế nhưng số ngân lượng để phục vụ các nghi thức tang lễ của bà còn tốn kém hơn nhiều so với các vị Hoàng đế trước đó.

Những bức ảnh hiếm và chuyện giờ mới kể về đám tang của Từ Hi Thái hậu - 2
Tang lễ của Thái hậu được tổ chức rất trang trọng (Ảnh: 163).

Vào thời điểm đó, một nhiếp ảnh gia nước ngoài được phép tham dự buổi lễ, sử dụng máy ảnh để ghi lại cảnh đại tang của Thái hậu. Đó cũng chính là những thước ảnh cũ hiếm hoi còn lưu giữ tới ngày nay.

Những bức ảnh hiếm và chuyện giờ mới kể về đám tang của Từ Hi Thái hậu

Dù thời điểm Từ Hi Thái hậu qua đời, văn minh khoa học hiện đại đã có mặt tại Trung Quốc, nhưng tang lễ của bà vẫn được thực hiện các nghi thức truyền thống của hàng nghìn năm trước. Trong tang lễ có sử dụng lượng lớn đồ hàng mã gồm tiền mã, hình nhân, đồng hồ, y phục... làm như thật và đốt hết để theo Thái hậu "sang bên kia thế giới".

Những bức ảnh hiếm và chuyện giờ mới kể về đám tang của Từ Hi Thái hậu - 3
128 người khiêng linh cữu Thái hậu (Ảnh: Sina).

Đội quân bằng giấy và đất nung được xếp thành hàng, đốt tại Tử Cấm Thành trước khi tang lễ diễn ra 2 ngày. Theo quan niệm của người xưa, những kỵ sĩ này sẽ "xuống trước" để dẹp đường và hầu hạ Thái hậu.

Tài liệu cổ ghi chép cho thấy, đám rước trong tang lễ dẫn đầu là đội kỵ binh trong quân phục hiện đại, tiếp đó là đoàn kỵ binh cưỡi ngựa. Chỉ riêng linh cữu của Thái hậu cần tới 128 người khiêng. Điều này cho thấy kích thước của linh cữu lớn tới đâu.

Những bức ảnh hiếm và chuyện giờ mới kể về đám tang của Từ Hi Thái hậu - 4
Đoàn đưa tang đi vài ngày mới tới được nơi đặt linh cữu (Ảnh: 163).

Theo tương truyền, linh cữu được mạ vàng ròng, gắn hàng nghìn viên ngọc trai, 6000 viên ngọc, hơn 200 viên đá quý màu trắng. Phía sau linh cữu là hàng trăm cung nữ mặc trang phục lộng lẫy màu đỏ, tay cầm cờ và dải lụa trắng treo rủ. Đoàn người cầm cờ đông tới mức khiến người ta liên tưởng tất cả số cờ trong Hoàng cung đều được mang ra để tiễn đưa Thái hậu.

Theo tương truyền, tất cả người dân ở kinh thành trong hôm đó đều đổ ra đường đưa tiễn đám tang và chứng kiến tang lễ "có một không hai" này.

Dù tang lễ được chụp khá chi tiết, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây chỉ là một phần trong đám tang. Có thể nhiều lễ vật đặt tại lăng mộ của bà còn giá trị hơn rất nhiều.

Những bức ảnh hiếm và chuyện giờ mới kể về đám tang của Từ Hi Thái hậu - 5
Rất đông dân chúng của kinh thành đổ ra tiễn đưa Thái hậu (Ảnh: 163).

Thái hậu được an táng ở lăng Thanh Đông, cách Tử Cấm Thành hơn 100 cây số nên đoàn tang lễ phải đi bộ mất vài ngày mới tới nơi.  

Tuy nhiên, vào năm 1928, vụ trộm mộ khét tiếng trong lịch sử hiện đại đã diễn ra. Đứng đầu là Tôn Điện Anh cầm toán quân xâm phạm lăng Thanh Đông. Tại đây, y cùng đồng bọn đã vào lăng mộ của Từ Hi Thái hậu, cậy nắp quan tài và đánh cắp rất nhiều báu vật quý giá bên trong.