Nhiều Tổng lãnh sự tại TPHCM "mê" áo dài Việt Nam

Hoàng Lê

(Dân trí) - "Chính ở nước tôi cũng có người dân mặc áo dài, riêng tôi thấy rất tự tin khi mặc trang phục rất đẹp và duyên dáng này" - Tổng lãnh sự quán Lào tại TPHCM chia sẻ.

Ngày 4/3, tại Nhà Văn hóa Thanh Niên (TPHCM) đã diễn ra tọa đàm "Nét đẹp Áo dài Việt - Bảo tồn và Phát triển", với sự tham dự của 21 đại diện Lãnh đạo của các cơ quan ngoại giao, trong đó có Tổng Lãnh sự và phu nhân Tổng Lãnh sự các nước Nga, Trung Quốc, Australia, Italia, Thái Lan, Cuba, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Bờ Biển Ngà...

Nhiều Tổng lãnh sự tại TPHCM mê áo dài Việt Nam - 1

Trình diễn các bộ sưu tập tại tọa đàm "Nét đẹp Áo dài Việt - Bảo tồn và Phát triển" (Ảnh: Hoàng Lê).

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TPHCM 2023, do Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ và Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM phối hợp tổ chức, diễn ra với mục tiêu quảng bá vẻ đẹp, sức sống của áo dài đến với bạn bè quốc tế.

Bà Phimpha Kepmixay, Tổng lãnh sự quán Lào tại TPHCM cho biết, bản thân đã sống và học tập, làm việc tại Việt Nam nhiều năm. Bà rất ấn tượng với áo dài, văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời nhận xét phụ nữ Việt mặc áo dài rất đẹp.

"Chính ở nước tôi cũng có người dân mặc áo dài, riêng tôi thấy rất tự tin khi mặc trang phục rất đẹp và duyên dáng này. Tôi mong áo dài Việt được biết nhiều hơn trên trường quốc tế", bà Phimpha chia sẻ.

Nhiều Tổng lãnh sự tại TPHCM mê áo dài Việt Nam - 2

Nhiều bạn bè quốc tế cho biết rất thích và ấn tượng với tà áo dài Việt Nam (Ảnh: Hoàng Lê).

Đại sứ áo dài, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ, trong dân gian Việt Nam khi xưa thường có câu "miếng trầu là đầu câu chuyện", nhưng đã dần được thay bằng "áo dài là đầu câu chuyện".

Áo dài bây giờ không chỉ để bàn về kỹ thuật mà mang sứ mệnh quảng bá văn hóa, đất nước và con người Việt Nam. Nhiều nhà thiết kế đã đưa các hình ảnh di sản, thắng cảnh du lịch vào áo dài để cho mọi người thấy quê hương Việt rất đẹp.

"Tôi đã từng đưa sản phẩm áo dài vào quốc kỳ 200 nước. Chúng tôi mong áo dài không chỉ là truyền thống Việt Nam, mà còn kết nối với các bạn bè trên thế giới", ông Nam nói.

Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai, đại sứ khác của lễ hội áo dài cho rằng, mỗi khi đi ra nước ngoài, người dân nên mang nhiều bộ áo dài với các kiểu dáng, thiết kế khác nhau, để áo dài đến gần hơn và phù hợp với vóc dáng các bạn bè quốc tế.

Nhiều Tổng lãnh sự tại TPHCM mê áo dài Việt Nam - 3

Áo dài đã mang sứ mệnh quảng bá văn hóa, đất nước và con người Việt Nam (Ảnh: Hoàng Lê).

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM chia sẻ, cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội của đất nước, sự gia nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế, hình ảnh chiếc áo dài trở nên quen thuộc và trở thành một trong các biểu tượng của nước ta trong lòng bạn bè thế giới.

Không chỉ biểu trưng cho nét đẹp của người Việt Nam, áo dài còn gợi nhớ đến một đất nước Việt Nam xinh đẹp, thân thiện, hiền hòa, gợi nhớ một điểm đến đậm đà bản sắc dân tộc.