Nhiều hướng dẫn viên du lịch "bất lực" khi phục vụ golfer

Hoàng Lê

(Dân trí) - Đại diện Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam chia sẻ, có những hướng dẫn viên du lịch khi đưa khách là golfer đến sân thì không biết làm gì, phục vụ gì cho khách, vì không biết gì về môn thể thao này.

Tại hội nghị tuyên truyền, tập huấn và quảng bá du lịch golf, nằm trong khuôn khổ lễ hội du lịch Golf TPHCM, diễn ra chiều 29/3, ông Phạm Thành Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam cho biết, hiện nước ta có khoảng 100.000 người chơi golf và 100 sân golf đang hoạt động.

Trong đó, 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế dọc đường biển dài 6.000 km, gắn liền với các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp và sang trọng.

Nhiều hướng dẫn viên du lịch bất lực khi phục vụ golfer - 1

Sân golf Tân Sơn Nhất là nơi diễn ra lễ hội du lịch Golf TPHCM 2023 (Ảnh: Hoàng Lê).

Năm 2019 và 2021, Việt Nam được chọn là điểm đến golf tốt nhất thế giới do Tổ chức World Golf Awards (WGA) trao tặng, vượt qua các điểm đến hàng đầu về golf như Mỹ, New Zealand, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... Trước đó, Việt Nam 5 năm liên tiếp nhận danh hiệu điểm đến golf tốt nhất châu Á.

Khác với khách du lịch truyền thống, khách tham gia du lịch golf thường đến và quay lại nhiều lần. Bên cạnh mức phí để chơi golf, họ còn chi trả cho các dịch vụ khách sạn, nhà hàng đẳng cấp… Phát triển du lịch golf không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh du lịch mà còn thu hút được đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày vì golf bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, nên chi phí kinh doanh cao. Ngoài ra, vướng mắc lớn khi tổ chức du lịch golf hiện nay, là việc các công ty lữ hành chưa có nhiều kiến thức về môn thể thao này.

Ông Trịnh Thành, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam dẫn chứng, có những hướng dẫn viên của công ty du lịch khi đưa golfer đến sân thì không biết làm gì, hỗ trợ gì cho khách, vì chưa từng chơi golf. Do đó, họ chỉ làm được việc đặt sân và đưa đón. Ông Thành cho rằng, ở mỗi thời điểm khách du lịch, golfer chỉ đến được 1 sân golf, nên cần phát triển các gói du lịch golf theo mùa ở từng nơi.

Nhiều hướng dẫn viên du lịch bất lực khi phục vụ golfer - 2

Ông Trịnh Thành, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam (Ảnh: BTC).

Đại diện đơn vị lữ hành Lửa Việt cho biết, nhiều khách inbound khi du lịch qua công ty có hỏi về dịch vụ golf nhưng hầu hết đều bị thất bại, vì sự kết nối giữa công ty du lịch với sân golf rất rời rạc. Ngoài ra, doanh thu từ dịch vụ đưa khách đến sân golf của đơn vị lữ hành khi gần như bằng 0, nên sẽ xảy ra tâm lý không muốn đầu tư.

Phản hồi về vấn đề này, ông Trịnh Thành cho rằng, nếu xây dựng được gói dịch vụ tốt, khách sẵn sàng trả chi phí.

Ngoài ra, các đơn vị lữ hành cũng chia sẻ, du khách nước ngoài, nhất là thị trường Tây Âu thường mong muốn trải nghiệm du lịch golf nhưng phải đáp ứng yếu tố thân thiện với môi trường.

Nhiều hướng dẫn viên du lịch bất lực khi phục vụ golfer - 3

Các khách mời tiến hành nghi thức khai mạc lễ hội du lịch Golf TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết, sau Covid-19 du lịch golf được ưu tiên, định hướng phát triển mạnh. Đánh golf hiện đã trở thành nhu cầu lớn của khách du lịch. Ông Bình cho rằng, điều quan trọng là phải gắn kết giữa người làm du lịch với người làm golf. Các sân golf nào đăng ký cho khách du lịch cần phải xây dựng tài liệu chi tiết để cung cấp cho những công ty du lịch lữ hành.

"Đã đến lúc chúng ta phải chuẩn hóa tất cả hoạt động, không thể tùy tiện thích làm gì thì làm. Các sân golf phải công khai bảng giá rõ ràng để có một khung nhất định, cạnh tranh nhưng phải lành mạnh, không phá giá. Phải có sự chia sẻ lợi nhuận giữa người làm golf và các công ty lữ hành" - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nói.