Làm gì để "khách nhà giàu" chịu chi, không tiếc tiền khi đến Việt Nam?
(Dân trí) - Nhóm khách du lịch hạng sang thường chi 200 - 300 USD/ngày, cao gấp 2 - 3 lần so với khách quốc tế thông thường đến Việt Nam.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 sáng 15/3, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau một năm mở cửa du lịch, Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu khách nội địa với 101,3 triệu lượt.
Tuy nhiên, lượng khách quốc tế chỉ gần 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019, chưa đạt như kỳ vọng 5 triệu lượt.
Trên thực tế, Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia mở cửa sớm nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, so với các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore,… Việt Nam bị bỏ xa trong mảng đón khách quốc tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, một trong những nguyên nhân lượng khách quốc tế chưa đạt như kỳ vọng, là do sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên văn hóa.
"Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm. Chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách", Bộ trưởng nói.
Ông đề nghị mỗi địa phương cần phát triển một sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính bản sắc, để thu hút khách du lịch.
Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, không chỉ thu hút lượng lớn khách quốc tế, mà còn phải tăng lượng chi tiêu của họ tại Việt Nam, làm sao hút khách nhà giàu, bắt khách "móc nhiều hầu bao".
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình kiến nghị tạo điều kiện cho các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới thành lập doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam và được thực hiện tất cả các nghiệp vụ du lịch.
Theo ông Bình, Việt Nam muốn đón loại khách chi trả cao, để có thể trở thành thị trường sang trọng về du lịch thì chắc chắn phải có các doanh nghiệp trên thế giới tham gia.
"Để thu hút loại khách chi trả cao và để Việt Nam thành thị trường khách du lịch cao cấp thì có rất nhiều việc chúng ta cần phải làm. Nhưng hiện nay một loạt các sản phẩm mới ra đời, trong đó có sản phẩm Nhà nước phải hỗ trợ ví dụ như du lịch thể thao", ông Bình nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay golf chỉ là môn thể thao nhưng thực chất trở thành sản phẩm du lịch hết sức quan trọng và số lượng khách đến Việt Nam đánh golf ngày càng đông.
Năm 2019, 5 triệu khách Hàn Quốc đến Việt Nam, trong đó hơn một triệu người đến đánh golf. "Chúng tôi nghĩ rằng, với lượng khách ấy thì chi phí để trả cho Việt Nam cũng đến 2 - 3 tỷ USD", ông Bình nói.
Từ đó, ông đề nghị Nhà nước cho phép miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của những người chơi golf là khách du lịch.
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết đơn vị đang vận hành nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, do các tập đoàn quốc tế top đầu của thế giới quản lý.
Do đó, tập khách hàng có mức chi trả cao gấp 2 - 3 lần so với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, từ 200 - 300 USD/ngày (khoảng 4,7 - 7 triệu đồng), thường lưu trú khách sạn 3 - 4 ngày.
"Chúng tôi có thế mạnh kết hợp du lịch khách sạn với golf. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều khách du lịch đến Việt Nam để chơi golf như hiện nay và du lịch golf của chúng ta đã được thế giới công nhận là điểm du lịch chơi golf tốt nhất", bà Nga nói, dẫn chứng năm 2022 tập đoàn có 300.000 vòng chơi, kỳ vọng năm 2023 tăng lên 380.000, hàng năm đều tổ chức các giải golf quốc tế cho khu vực.
Năm 2022, về khách sạn, Tập đoàn BRG đón 652.000 lượt khách. Họ đặt ra kế hoạch một triệu lượt khách hạng sang trong năm 2023.
Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Võ Anh Tài cho hay, trong tháng 3, đơn vị sẽ đón 8 chuyến tàu biển du lịch quốc tế cao cấp với 19 lượt tàu cập cảng tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa -Vũng Tàu, TP HCM và trên 23.000 lượt khách quốc tế.
Trong năm 2023, Saigontourist dự kiến đón 30 chuyến tàu, với 72 lượt tàu cập cảng và trên 170.000 lượt khách quốc tế. Trong tình hình du khách quốc tế được khơi thông thì số chuyến tàu và số khách du lịch tàu biển cao cấp do Saigontourist đón trong năm nay dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng.
"Đây là thị trường khách có khả năng chi tiêu cao và với số lượng khách lớn, đông trên mỗi chuyến tàu biển", ông Tài nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, đại diện Saigontourist kiến nghị chú trọng tăng cường khai thác khách du lịch cao cấp quốc tế, khách du lịch đến Việt Nam thông qua các sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế đầu tư, hội chợ, hội nghị, các sự kiện thể thao và văn hóa quốc tế.
Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn nêu quan điểm, để vừa tăng trưởng số lượng khách du lịch, vừa tăng trưởng chi tiêu của khách, thì cần làm phong phú du lịch mua sắm, giải trí, nghỉ dưỡng sức khỏe. Đây được xem là cơ hội tiêu tiền, thậm chí mua hết số tiền và tiếp tục muốn mua sắm.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất phát triển mô hình sức khỏe chữa trị y tế - loại hình du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh và mang lại doanh thu cao nhất trong các loại hình du lịch.
"Chúng tôi đang làm việc với Hàn Quốc, Nhật Bản để nghiên cứu đầu tư xây dựng 2 trung tâm chăm sóc sức khỏe tế bào gốc công nghệ mới tại Phú Quốc và Đà Nẵng", ông nói.
Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm Outlet. Hầu hết các nước đều có mô hình này, giảm giá từ 50%-90% để tăng chi tiêu mua sắm.
Ngoài ra, nam doanh nhân kiến nghị lựa chọn nhà đầu tư có năng lực hợp tác với các tổ chức quốc tế để phát triển các tổ hợp vui chơi, nghỉ dưỡng, casino và các công viên thương hiệu được nhận diện trên toàn thế giới.
Mô hình này sẽ thu hút nguồn khách quốc tế rất lớn và tăng trưởng tương tự như Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản.