Nhà sư bị trầm cảm, kiện ngôi đền Nhật Bản vì làm việc quá sức
(Dân trí) - Do phải đón tiếp lượng khách du lịch lớn mỗi ngày bất kể giờ giấc nào, một nhà sư ở Nhật Bản đã bị trầm cảm và gửi đơn kiện.
Một nhà sư Nhật Bản đã đệ đơn kiện chính ngôi đền của mình. Chia sẻ với truyền thông, luật sư đại diện cho biết, nhà sư này phải đón tiếp lượng lớn khách du lịch tới thăm đền mỗi ngày bất kể giờ giấc nào cùng khối lượng công việc nặng nhọc khiến ông rơi vào tình trạng trầm cảm.
Được biết, nhà sư 40 tuổi này hiện đang làm việc tại một ngôi đền trên núi Koya, một Di sản thế giới còn gọi với cái tên Koyasan. Đây cũng là một trong những địa điểm Phật giáo linh thiêng nhất tại Nhật Bản.
Theo lời ông Noritake Shirakura, luật sư của nguyên đơn, nhà sư làm việc tại đền thờ từ năm 2008 và bắt đầu rơi vào tình trạng trầm cảm kể từ tháng 12/2015.
"Khi là một nhà sư, bạn sẽ phải làm việc mà không có quy định về giờ giấc rõ ràng. Thậm chí, khi cung cấp sức lao động, các nhà sư lại bị coi đó là một phần trong quá trình tu hành. Qua vụ kiện này, chúng tôi muốn chứng minh quan điểm này đã lỗi thời", luật sư Noritake Shirakura khẳng định.
Người đại diện từ văn phòng giám sát tiêu chuẩn lao động địa phương cũng thừa nhận "nhà sư làm việc quá sức", đồng thời xác nhận "ông đã làm việc liên tục ít nhất trong vòng 1 tháng mà không có ngày nghỉ", tờ Thời báo Nhật Bản trích dẫn thông tin.
Cũng theo đơn kiện, nhà sư này cho biết, lịch trình một ngày của ông bắt đầu từ 5 giờ sáng để chuẩn bị mọi nhiệm vụ tiếp đón nhiều đoàn khách du lịch. Hồ sơ vụ kiện còn chỉ ra, nhà sư này phải làm việc nhiều hơn so với nhiệm vụ của mình. Năm 2015, khi ngôi đền tổ chức kỷ niệm lần thứ 1200 năm, nhà sư này làm việc suốt 64 ngày liên tục để đón khách tới thăm. Thậm chí, có những ngày ông phải làm việc suốt 17 tiếng không nghỉ.
Luật sư Noritake Shirakura từ chối tiết lộ danh tính của thân chủ cũng như ngôi đền nhà sư này đang làm việc để ông có thể quay lại làm việc hoặc tìm một công việc mới trong ngôi đền khác. Khoản bồi thường đề nghị được vị luật sư đưa ra là 78.000 USD.
Làm việc quá sức dẫn tới kiệt sức và tử vong là vấn đề lớn ở Nhật bản. Thậm chí, hiện tượng này còn có từ ngữ riêng trong tiếng Nhật là "karoshi". Năm 2017, chính phủ Nhật Bản đã công bố bản báo cáo cho thấy 191 trường hợp "karoshi" trong vòng 12 tháng; hơn 7% giới văn phòng ở đây làm thêm hơn 20 tiếng mỗi tuần.
Một trường hợp tương tự từng xảy ra vào năm 2017. Người đại diện của ngôi đền Higashi Honganji nổi tiếng tại Kyoto đã công khai xin lỗi vì lý do không trả thêm tiền làm thêm giờ cho người lao động.
Quốc Việt
Theo Afp/theweek