PhotoStory

Ngôi đền thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang

Thực hiện: Dương Nguyên

(Dân trí) - Đền thờ vua Mai Hắc Đế được xây dựng trên vùng đất thiêng đắc địa, ngay chính nơi ông sinh ra tại Hà Tĩnh. Ông là vị vua đầu tiên liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp chống giặc phương Bắc.

Ngôi đền thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang - 1

Vua Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan (670-723), quê gốc ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Lúc sinh thời, ông là một hào kiệt, thông minh, tài trí và dũng cảm hơn người. Trong giai đoạn đất nước loạn lạc, không cam chịu ách đô hộ của giặc xâm lược phương Bắc, ông đã chiêu mộ anh tài và quân 32 châu.

Ông cũng liên kết với các nước Đông Nam Á thời bấy giờ như Lâm Ấp (vương quốc từ Quảng Bình đến Quảng Nam), Chân Lạp (Campuchia và một số tỉnh phía Nam Việt Nam ngày nay), Chà Và (Java tức Indonesia ngày nay), Kim Lân (Malaysia ngày nay) chống nhà Đường.

Sau khi đất nước được giải phóng, vua liền ban lệnh xóa bỏ những thứ thuế do chính quyền đô hộ áp đặt từ bấy lâu. Dưới sự trị vì của Mai Hắc Đế, nước ta đã giành được độc lập, tự chủ trong gần 10 năm (713-722).

Ngôi đền thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang - 2

Năm 723, sau khi Mai Hắc Đế mất, để tưởng nhớ công ơn của ông cùng các tướng sĩ, nhân dân nhiều nơi trong nước đã lập đền thờ phụng, trong đó có Đền thờ Mai Hắc Đế tại quê nhà, nay là thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, trải qua các cuộc chiến tranh và sự tàn phá của thiên nhiên, ngôi đền xuống cấp. Mặc dù đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Lộc Hà trùng tu, sửa chữa nhiều lần nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chỉ mới dừng lại ở việc trùng tu đơn giản.

Ngôi đền thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang - 3

Năm 2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Dự án tôn tạo, tu bổ, xây dựng đền thờ vua Mai Hắc Đế. Đền thờ được xây dựng trên vùng đất thiêng đắc địa, ngay chính quê mẹ thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ - nơi ông sinh ra.

Ngôi đền thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang - 4
Ngôi đền thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang - 5
Ngôi đền thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang - 6

Công trình tọa lạc trên một khu đất cao, rộng với tổng diện tích hơn 7.000m2. Trong đó, diện tích xây dựng gần 1.000m2 với các hạng mục chính như nghi môn theo dạng tứ trụ; tả, hữu vu hình chữ nhật, 3 gian 2 chái; nền lát gạch bát, khung cột, vì kèo gỗ; mái lợp ngói mũi hài. 

Ngôi đền thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang - 7

Khu đền chính với tiền bái hình chữ nhật, ba gian để trống, diện tích 54m2, chiều cao đỉnh mái 4,44m.

Ngôi đền thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang - 8

Bên trong đền được gắn 7 bức hoành phi với nội dung: "Quê tổ linh thiêng", "Lừng lẫy uy linh", "Đức trạch trường tồn", "Công tích vĩ đại", "Non sông muôn thuở", "Võ công đại định", "Chí Trung Đại nghĩa" và bảy bức câu đối do Giáo sư Phan Huy Lê cùng nhóm tác giả biên tập.

Ngôi đền thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang - 9
Ngôi đền thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang - 10
Ngôi đền thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang - 11

Nhiều hạng mục, họa tiết, tường xung quanh ngôi đền được làm từ đá xanh. Ngoài ra, đền còn có các hạng mục phụ trợ như lầu hóa vàng, nhà thủ từ, cổng phụ, nhà truyền thống,...

Ngôi đền thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang - 12

Phía trước ngôi đền có 2 cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cành lá sum suê, được người dân địa phương bảo vệ, gìn giữ bao đời nay.

Ngôi đền thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang - 13
Ngôi đền thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang - 14

Đền thờ vua Mai Hắc Đế được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2011. Hàng năm, trong ba ngày 12, 13, 14 tháng Giêng Âm lịch, chính quyền và người dân xã Mai Phụ tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ công đức của Mai Hắc Đế. Để chuẩn bị cho buổi lễ này, người dân địa phương sẽ cùng gói, nấu hàng nghìn chiếc bánh chưng, sau đó mang đến đền thờ cung tiến.