Ngành mũi nhọn: Du lịch còn “trọng điểm” hơn dệt may, điện tử
(Dân trí) - Ngành du lịch Việt Nam vẫn được đánh giá là tuy có đóng góp rất lớn cho thị trường lao động, việc làm và tổng thu nhập quốc gia (GDP) nhưng dường như không được chú trọng bằng các ngành khác có đóng góp tương tự cho đất nước.
Du lịch là ngành mũi nhọn
Phát biểu tại buổi toạ đàm phát triển du lịch diễn ra sáng nay (ngày 7/7), ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ có xu hướng phát triển nhanh nhất. Trong 5 năm gần đây, du lịch là ngành mũi nhọn và ngày càng được định hình phát triển bền vững, khách và tổng thu nhập ngày càng tăng.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên thì cho rằng: “Phải nhìn nhận lại về du lịch vì bao nhiêu năm chưa phát triển tương xứng. Đây là vấn đề nghiêm trọng chứ không phải đơn thuần. Việc nhận thức lại đặc biệt cần trong bối cảnh thời kỳ mới bởi nếu không sẽ dễ dẫn tới lệch hướng”.
Theo ông Trần Đình Thiên, du lịch tuy được xác định là ngành mũi nhọn nhưng chưa bao giờ trong suốt hơn 30 năm nay, đạt hiệu quả như mong muốn. Đây là thời điểm tốt để tư duy lại, thay đổi mô hình tăng trưởng và nhìn ra thế giới xem họ làm thế nào.
Chia sẻ quan điểm này, TS Lương Hoài Nam nói: “Tôi suy nghĩ thế này, du lịch còn trọng điểm hơn cả dệt may, điện tử bởi du lịch có khả năng làm được tất cả các khâu. Trong khi đó, như điện tử chúng ta hoàn toàn chỉ lắp ráp thôi, thương hiệu và linh kiện vẫn của nước ngoài. Còn dệt may, xuất khẩu 20 tỷ đô nhưng chủ yếu là gia công vải ngoại, chỉ, cúc… đều nhập về”.
TS Lương Hoài Nam cũng cho rằng, Bộ Chính trị, Trung ương cần sớm có Nghị quyết chuyên đề về du lịch với mục tiêu tới năm 2030 du lịch Việt Nam đứng đầu ASEAN, vượt qua cả Thái Lan.
“Doanh thu du lịch của Thái Lan là 65 tỷ USD, Việt Nam mới chỉ 10 tỷ USD nhưng nếu quyết tâm sẽ không có gì cản trở mà không giải quyết được cả. Việt Nam có đủ mọi thứ để vượt Thái Lan như đa dạng văn hoá, danh lam thắng cảnh…”, ông Nam nói.
Đâu là rào cản?
Nói về các rào cản cho ngành du lịch, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng: “Rào cản thì nhiều lắm nhưng tôi đúc kết lại là hiệu quả thấp của xây dựng môi trường cho doanh nghiệp. Tổng cục du lịch nên tính toán xây dựng lại hình ảnh. Ngoài ra, tôi cũng có phân vân liên quan tới ngoại giao là làm không đến nơi đến chốn, không chuyên nghiệp đẳng cấp”.
Cụ thể hơn, theo bà Ninh, Việt Nam không thể thẳng thừng cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia bằng số lượng được mà phải hướng du khách vào du lịch trải nghiệm (du lịch ngách) còn du lịch cao cấp phải xây dựng cho các chương trình riêng. Đồng thời, phải xây dựng hình ảnh định vị, phải gắn thương hiệu du lịch với hình ảnh đất nước, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.
“Khi nãy tôi nghe nói về phát triển khách sạn 5-7 sao mà tôi choáng ngợp. Câu hỏi đặt ra là xây nhiều khách sạn thì khách họ có vào hay không, có chịu tiêu không? Nói về khách sạn, tôi từng chất vấn rằng tại sao không có các nhà hàng cao cấp ở các khách sạn 5 sao. Trên sân nhà mà không tận dụng mang ẩm thực Việt Nam vào khách sạn 5 sao”, bà Ninh dẫn chứng.
TS Trần Đình Thiên cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hoá cần phải gỡ bỏ những rào cản như visa, xoá mờ dần đường biên giới, thay vào đó là tạo các điểm nhấn khác biệt, đặc sắc. Đồng thời, cũng cần định vị ngành du lịch thành một ngành “công nghiệp văn hoá”.
“Đơn giản như việc nếu cứ lèm nhèm, tiếp đón không ra sao sẽ không thu hút được khách du lịch và những thông tin không tốt sẽ lan truyền rất nhanh. Một ông khách Nhật Bản từng nói với Đà Nẵng là muốn phát triển thì đừng để có bất kỳ người lái taxi nào không trả lại tiền thừa cho khách, đừng để việc xà xẻo có ở mọi lúc mọi nơi. Có làm được điều đó thì khách mới thấy được sự chuyên nghiệp của du lịch Việt Nam”, ông Thiên nói.
Phương Dung