Năm Hợi thăm đất nước không thịt lợn và bia rượu
(Dân trí) - Năm Hợi là nói đến lợn thế nhưng trong cộng đồng ASEAN chúng ta lại có một nước hoàn toàn cấm ăn thịt lợn và uống bia, rượu đó là Brunei.
Vương quốc Brunei có tên chính thức là Negara Brunei Darussalam có nghĩa là quốc gia hoà bình, diện tích chỉ khoảng 6000 km2, nằm ở phía bắc hòn đảo lớn Borneo.
Thực tình lứa tuổi chúng tôi đã biết đến đảo Borneo từ thời tiểu học nhưng cái tên Brunei thì mới làm quen từ khi thành lập cộng đồng ASEAN, vì trên đảo này phần lớn đất đai thuộc về hai nước Indonesia và Malaysia.
Đất nước thanh bình và trường thọ
Brunei trở thành một vương quốc Hồi giáo vào thế kỷ thứ XIV, dưới quyền vị quốc vương (sultan) Muhamad Shad. Vào năm 1888 Brunei đăt dưới quyền bảo hộ của Anh và giành được độc lập từ Anh Quốc vào ngày 1 tháng 1 năm 1984. Brunei trở nên thịnh vượng nhờ các mỏ dầu và khí đốt thiên nhiên rộng lớn. Forbes xếp Brunei giàu hàng thứ 5/182 nước. Thu nhập GDP hàng năm đạt trên 80.000 USD .
Dân số Brunei hiện chỉ chưa đến nửa triệu người trong đó 2/3 theo đạo Hồi. Bởi vậy, đạo Hồi là quốc đạo, có tới hơn 100 nhà thờ Hồi giáo trong đó có nhà thờ hết sức lộng lẫy hoành tráng nhất Đông Nam Á như thánh đường Sultan Omar Ali Saifuddinm.
Chúng tôi từng đến nhiều quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông, Tây Á như Jordan , Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)... nhưng có lẽ cái cảm giác không tìm đâu ra thịt lợn và bia rượu thì ở Brunei là rõ nhất. Cả đất nước từ thủ đô đến địa phương không đâu có bán bia rượu. Vũ trường, quán bar nhạc xập xình không thấy. Nếu như người theo Ấn giáo kiêng ăn thịt bò, thì trái lại người Hồi giáo kiêng ăn thịt lợn và cả những loài thú, chim ăn thịt ...
Không biết có phải vì họ kiêng uống rượu bia mà tuổi thọ bình quân họ cao? Bởi nếu bình quân tuổi thọ thế giới là 72 tuổi thì tuổi thọ của nước đất nước này là 75,9 và tuổi thọ của nam là 79,9.
Trước Cung điện Hoàng gia
Phòng khách nhà ông Mahomed Ali ở làng nổi
Giữa thủ đô có làng nổi lớn nhất thế giới
Tương truyền ngày trước trên đảo có nhiều thú dữ cho nên người dân phải làm nhà nổi trên sông để ở. Là một vùng rừng ngập mặn Mangrove xích đạo nổi tiếng với nhiều loài gỗ như đước, sú, giá, vẹt ... cao to chịu nước không mối mọt người ta đóng cọc làm nhà cách mặt nước khoảng 2m.
Người ta dựng nhà nổi có mặt tiền đẹp, có sân trồng hoa, trong nhà có phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, khu vệ sinh… Cả làng nổi có gần 40.000 dân chia thành 40 làng nhỏ (xóm , tiểu khu) như vậy mỗi làng nhỏ khoảng xấp xỉ 700-1000 dân. Dù trên sông nhưng với sự đầu tư của nhà nước đường điện, đường nước sạch về tận từng nhà, không chỉ làng nổi mà hầu như ở Brunei điện, nước, dân được cung cấp không phải trả tiền.
Nhà thờ trên làng nổi
Làng nổi có nhà thờ Hồi giáo khá rộng, có trạm cảnh sát kiểu công an phường ở ta nhưng trông rất khang trang. Tại làng nổi cũng có các trường học cho trẻ ngay trên mặt nước.
Viêc đi lại giữa các làng nổi đươc khoảng 500 chiếc taxi nước của các hãng phục vụ hết sức tiện lợi. Chúng tôi lên taxi nước đến thăm nhà của ông Mohammed Ali ở giữa làng, trước khi vào phòng khách lớn, chúng tôi đi qua một phòng trưng bày gần 500 các lá cờ và cúp thi bơi thuyền hàng năm mà gia đình ông có được.
Vào phòng khách đoàn du lịch có tới 25 người vẫn có bàn ghế ngồi rộng rãi. Gia đình ông mời chúng tôi các thứ bánh địa phương mà tôi cứ nghĩ như ở chính quê mình, bánh trứng gà đánh với bột đổ khuôn nướng lên mà quê tôi gọi là bánh xoài hay bánh thuổn, rồi bánh gói lá dừa, kẹo dừa… Dân làng nổi nhưng nhà nào cũng có vài ba ô tô con để trên bờ. Sáng họ đi taxi nước lên bờ lái xe đến nơi làm việc.
Ở thủ đô Bandar Seri Begawan, có nhiều khu nhà hiện đại tiện nghi mọc lên, nhưng người làng nổi vẫn gắn bó với làng coi đây là nét đẹp truyền thống và giờ đây làng nổi là một địa chỉ du lịch không thể bỏ qua của những ai đã đặt chân đến đất nước này.
Đài kỷ niệm mốc khai thác 1 tỷ thùng dầu
Cung điên Hoàng gia Brunei
Nhà vua giàu sang, và người dân được hưởng phúc lợi hiếm thấy
Cung điện nhà vua Istana Nurul Iman có tới 1788 phòng, có sân bay… Mái vòm cung điện mạ vàng. Sàn cung điện được lát bằng đá cẩm thạch nhập từ 38 nước trên thế giới. Cung điện này được xây dựng vào năm 1984 với chi phí khoảng 400 triệu USD. Đây cũng là điểm đến du khách không thể bỏ qua.
Là một trong những người giàu nhất thế giới với tài sản khổng lồ, Quốc vương sở hữu bộ sưu tập xe lớn nhất thế giới với 600 chiếc xe hơi đắt tiền, đáng kể là 165 chiếc Roll – Royce hạng sang làm theo đơn đặt hàng, cùng đó là dàn chuyên cơ Boeing 747 được tân trang bằng vàng ròng và pha lê Lalique, 1 chiếc Airbus 340, 6 chuyên cơ nhỏ và 2 trực thăng.
Ông đã từng tự lái chiếc Boeing 747 của mình đến Washington D.C “đàm đạo” cùng Tổng thống Obama về các vấn đề hợp tác dầu khí và biến đổi khí hậu. Rất dễ để nhận ra nguồn thu nhập để tạo nên khối tài sản này đó là dầu khí và vàng. Chúng tôi đã cùng nhau chụp ảnh kỷ niêm quanh đài kỷ niệm 1 tỷ thùng dầu Brunei đã khai thác.
Tôi đã hỏi nhiều người và họ đều xác nhận. Con cái đi học sẽ không phải trả học phí, ai được các trường nước ngoài tiếp nhận thì nhà nước chi tiền cho ăn học, khi về nước phải phục vụ một thời gian bằng thời gian cho đi học .
Người dân ốm đau được nhà nước chi tiền điều trị, kể cả những bệnh phải gửi ra nước ngoài. Nhà nước chi tiền viện phí ăn ở cho bệnh nhân và người nhà theo chăm sóc.
Về nhà ở, có nhiều báo nói rằng, người dân ai muốn có nhà ở thì viết đơn. Chính phủ xem xét nếu đúng tiêu chuẩn thì chỉ phải trả 1 đô la Brunei rồi nhận nhà.
Tôi hỏi lại anh Richky, một hướng dẫn viên du lịch Brunei, anh nói anh đã từng đi nghĩa vụ quân sự rồi làm việc ở Hoàng cung mà viết đơn từ năm 2007 đến năm 2012 mới đươc xét cấp nhà. Một đô la chỉ là tượng trưng thủ tục, sau đó nhận nhà thì tuỳ theo loại nhà và thu nhập mà phải trả tiền thuê nhà hàng tháng.
Anh sẽ trả trong vòng 15 năm mới là nhà của mình. Có người phải trả tận 30 năm. Khi gặp chị Linda một người Việt ở Sài Gòn đã nhập đạo Hồi hiện buôn bán tại Brune, chị cũng cho biết là sau khi nhận nhà phải trả tiền thuê nhà khoảng 175 đô la Brunei hàng tháng.
Cũng cần nói thêm để trở thành công dân Brunei rất khó. Bạn có thể trở thành người vợ hoăc chồng của công dân Brunei thì chỉ cần tiêu chuẩn vào đạo Hồi, nhưng đó chưa phải là công dân Brunei.
Brunei giàu lên vì dầu mỏ và vàng, song người ta lo cho tương lai vàng, dầu cạn dần nên giờ đây Brunei mời gọi nước ngoài đầu tư phát triển kinh tế, trong đó có du lịch.
Những cung điện nguy nga, nhà thờ lộng lẫy, những làng nổi, những cánh rừng ngập mặn đặc trưng vùng xích đạo đang thu hút du khách. Brunei rất quen mà rất lạ!
Nguyễn Lương Phán