Lượng khách quốc tế du lịch Việt Nam đột nhiên sụt giảm: Có đáng báo động?
(Dân trí) - Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký của TAB, tháng 9 có nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động khiến lượng khách sụt giảm so với tháng trước. Tuy nhiên điều này chưa đáng lo ngại.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đón hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế, vượt lượng khách cả nước đón năm 2023 (12,6 triệu lượt).
Tuy nhiên, so với tháng 8, lượng khách quốc tế tháng 9 giảm đến 11,9%. Cụ thể, trong tháng 8, Việt Nam đón 1,43 triệu lượt khách quốc tế thì tháng 9 chỉ đón 1,27 triệu lượt.
Xét về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với 3,3 triệu lượt (chiếm 26,5%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 2,7 triệu lượt (chiếm 21,3%). Riêng hai thị trường này đóng góp 47,8% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng qua.
Trước số lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong tháng 9 đột nhiên sụt giảm so với cùng kỳ tháng trước, nhiều chuyên gia và các đơn vị lữ hành nhận định, điều này không đáng lo và cũng không có gì bất thường.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) - cho rằng con số 12,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam vào tháng 9 có phần thấp hơn so với kỳ vọng, tuy nhiên đó là thời điểm có nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động nên "việc sụt giảm không phải là điều đáng lo ngại".
Ông Chính nhận định, bên cạnh yếu tố ngoại cảnh do thiên tai thời tiết như siêu bão Yagi, những nguyên nhân khác cũng có thể khiến lượng khách nước ngoài suy giảm do những bất ổn chính trị xảy ra tại khu vực Trung Đông, suy thoái kinh tế, hàng loạt vấn đề an ninh, an toàn trên toàn cầu cũng tác động tới tâm lý du khách.
Vị chuyên gia du lịch này cũng cho rằng, tháng 9 là thời điểm chuyển giao giữa mùa du lịch nội địa sang mùa du lịch quốc tế. Đợt đón khách nước ngoài bắt đầu cao điểm từ 3 tháng cuối năm (tháng 10 tới tháng 12). Bởi vậy, Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Như vậy có thể thấy, Việt Nam bắt đầu bước vào 3 tháng cao điểm đón khách nước ngoài. Tuy nhiên, ông Chính cho rằng "nếu chỉ ngồi chờ mà không có nhiều biện pháp kích cầu du lịch, xúc tiến quảng bá thì rất khó".
"Nếu chúng ta chỉ đơn thuần tổ chức roadshow (tạm dịch: Hoạt động giới thiệu quảng bá du lịch lưu động) thì tốn kém mà hiệu quả không cao. Thay vào đó, du lịch Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng số, tích cực tham gia nhiều hội chợ du lịch quốc tế lớn", ông Chính nêu ý kiến.
Cùng với đó, vị chuyên gia cho rằng, phát triển du lịch cần lưu ý tới 2 con số khác nhau. Ngoài tổng số lượng lượt khách, chúng ta cần quan tâm tới con số tổng doanh thu từ du lịch là bao nhiêu.
"Trước đại dịch, ngành du lịch đóng góp khoảng 9,2% GDP cho đất nước, thì câu hỏi đặt ra là liệu năm nay nếu Việt Nam đạt con số 18 triệu lượt khách như kế hoạch, nhưng tổng doanh thu liệu có đạt như thời điểm trước hay không. Ngành du lịch cần làm gì để thu hút thêm nguồn doanh thu từ du khách?", ông Chính đặt câu hỏi.
Nhận định về thị trường khách quốc tế trong 3 quý đầu năm 2024, bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc Tiếp Thị - Truyền Thông Vietluxtour - cho biết, đơn vị này có tốc độ tăng trưởng khá tốt. Tùy từng thị trường khách có mức tăng từ 40 đến 70%.
Tính đến hết quý III, đơn vị lữ hành đã đạt được 70% kế hoạch mục tiêu kinh doanh thị trường quốc tế của công ty. Theo mục tiêu này, Vietluxtour kỳ vọng năm nay, doanh thu và lượng khách thị trường quốc tế của doanh nghiệp sẽ tăng khoảng 50%-60% so với năm 2023, tùy từng thị trường.