Khách thích thú check-in rừng trúc ở Yên Bái đẹp như phim cổ trang
(Dân trí) - Nếu lưu trú tại thị trấn Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), du khách có thể thuê xe ôm trọn gói với giá 600.000 đồng/ngày là có tài xế người bản địa tới tận nơi chở tới rừng trúc thuộc xã Mồ Dề.
Tháng 10 hàng năm là thời điểm lượng khách đổ về huyện Mù Cang Chải rất đông, vừa kết hợp ngắm mùa vàng và săn mây. Nhưng mảnh đất vùng cao này không chỉ có vậy.
Vài năm trở lại đây, trên nhiều hội nhóm diễn đàn du lịch, du khách vẫn chia sẻ trải nghiệm tới thăm rừng trúc đẹp như bước ra từ những thước phim cổ trang.
Chỉ cách trung tâm thị trấn Mù Cang Chải 3,5km, rừng trúc nằm ở xã Mồ Dề với tuổi đời trên 80 năm.
Anh Mùa A Giàng, một hướng dẫn viên du lịch địa phương cho biết, người dân ở đây vẫn gọi là tre đắng, nhưng khách du lịch thuận miệng quen nói rừng trúc, nên từ đó rừng trúc Mồ Dề gắn liền với điểm du lịch này.
Tổng diện tích rừng trúc khoảng 3ha. Xuất phát từ Mù Cang Chải, du khách đi từ tổ 1 của thị trấn tới bản Háng Sung rồi tới xã Mồ Dề. Đường được trải bê tông nhưng nhỏ nên hơi khó đi.
Nếu đi theo hướng khác bằng ô tô, du khách đi theo lối nghĩa trang liệt sĩ tới bản Màng Mủ rồi tới bản Háng Sung. Đây vẫn là đường bê tông nhưng vào ngày mưa trơn trượt sẽ khó khăn hơn.
Lịch trình của du khách thường tới rừng trúc trước 14h. Sau đó, khách tiếp tục di chuyển tới đồi móng ngựa để kịp ngắm hoàng hôn với tổng quãng đường di chuyển chừng 8km.
Nếu chưa thạo đường đất, du khách có thể đặt trước xe ôm phục vụ trọn gói với giá 600.000 đồng/ngày. Với dịch vụ này, xe ôm thường là những người dân địa phương tới tận nơi lưu trú của khách ở thị trấn Mù Cang Chải rồi chở tới rừng trúc và ngược lại.
Ngoài ra, các tài xế chủ động chuẩn bị nước, áo mưa cho khách, hỗ trợ quay phim chụp ảnh miễn phí. Nếu khách có nhu cầu quay flycam (dịch vụ riêng) sẽ cộng thêm chi phí là 200.000 đồng.
Vé vào cửa là 30.000 đồng/khách còn trẻ nhỏ là 20.000 đồng/người. Để vào rừng, du khách sẽ đi qua một con đường nhỏ, lần theo các bậc thang. Càng đi vào trong, cảm giác hoang sơ bình dị càng rõ nét với những con đường đất phủ đầy lá khô.
Những cây trong rừng trồng san sát nhau. Ngày nắng, những tia sáng xuyên qua từng kẽ lá giữa bầu không khí bình yên, càng khiến lòng người thêm mê đắm cảnh sắc. Anh Mùa A Giàng cho biết, muốn có những thước ảnh đẹp, du khách nên chọn vào thời điểm sáng sớm và ngày có nắng.
Thời điểm này được coi là mùa cao điểm du khách đến với rừng trúc nhưng đông nhất vẫn là dịp cuối tuần. Thông thường lịch trình của khách là tới ngắm mùa lúa chín ở Mù Cang Chải rồi di chuyển tới đây. Ngày cao điểm cuối tuần, rừng trúc có thể đón từ 500 đến 600 lượt khách.
Đôi khi trong rừng, du khách sẽ bắt gặp những cây nấm có nhiều màu sắc sặc sỡ nhưng đều là nấm độc. Hướng dẫn viên du lịch luôn lưu ý khách không nên dùng tay sờ chạm trực tiếp.
Anh Ngọc Lâm là một trong những vị khách có mặt tại rừng trúc thời điểm đầu tháng 10 vừa rồi. Vị khách Hà Nội cho biết, bước chân vào bên trong, thế giới xung quanh như thay đổi bởi bao bọc là khoảnh khắc yên bình, tĩnh lặng. Hình ảnh này vốn khó tìm thấy ở những nơi cuộc sống xô bồ nơi phố thị.
Lịch trình của khách tới rừng trúc thường đi trong ngày và không ở lại lưu trú. Khách có thể nghỉ ngơi tại khu vực cửa rừng và thuê trang phục chụp ảnh.
Đa phần trang phục tại đây là của đồng bào dân tộc Mông với giá thuê từ 50.000 đồng/bộ. Ngoài ra, du khách có thể chọn thêm một số đạo cụ để bức hình thêm sinh động.
Du khách tới đây nên chuẩn bị cả áo khoác, áo đi nắng vì sáng sớm có thể thời tiết sẽ lạnh. Ngoài ra, khách nên chọn giày có đế cứng vì di chuyển vào trong dễ bị trơn trượt.
Ảnh: Mùa A Giàng