Loại vịt mình bầu, cổ rụt nổi tiếng Thanh Hóa, khách tới Pù Luông "săn tìm"
(Dân trí) - Vịt Cổ Lũng là đặc sản nổi tiếng của người Thái tại Pù Luông, Thanh Hóa. Loại vịt này khi chế biến không có mùi hôi, thịt dày, chắc, ít mỡ.
Vịt Cổ Lũng là đặc sản nổi tiếng của người Thái tại bản Hiêu, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Loài vịt này có chân ngắn, mình bầu, cổ rụt và to, màu lông giống chim sẻ, lông nâu xen lẫn màu đen, quanh cổ có khoang tròn màu trắng.
Trước đây giống vịt này thường được bà con đồng bào vùng cao ở Bá Thước nuôi thả quanh bản làng, trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Chúng thường sống ở các con suối nhỏ, khe núi, ăn ngô, thóc ở ruộng lúa hay các loại cá, tôm, tép nhỏ.
Khí hậu quanh năm mát mẻ, nguồn nước sạch, thức ăn tự nhiên dồi dào đã khiến cho vịt Cổ Lũng có hương vị đặc trưng. Loại vịt này khi ăn rất ít mỡ, thịt chắc và thơm, không có mùi hôi khó chịu.
Thịt vịt Cổ Lũng là một trong những món ăn được du khách ưa chuộng, không thể bỏ qua khi tới Pù Luông. Các khu nghỉ, homestay hay nhà hàng tại đây thường chế biến vịt luộc, quay hoặc nướng.
Ông Lò Văn Huyên, Trưởng bản Hiêu - một trong những khu bản du lịch nổi tiếng nhất Pù Luông cho biết, vài năm gần đây, bà con chăn nuôi vịt nhiều hơn để phục vụ nhu cầu du khách. Vịt nuôi tới đâu bán hết tới đó, thậm chí còn có tình trạng khan hiếm.
Tương tự, bà con tại bản Kho Mường cũng nuôi khá nhiều vịt Cổ Lũng để có thêm kinh tế. Loại vịt này thường nuôi khoảng 4 tháng sẽ được bán, với giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg.
"Giá vịt Cổ Lũng ngày càng tăng cao do được nhiều người biết tới. Để mua được loại vịt chuẩn không dễ. Du khách cần tìm nguồn uy tín hoặc nhờ người thân quen", chủ một khu nghỉ tại Pù Luông cho biết.
Với món vịt nướng, sau khi làm sạch lông và nội tạng, bà con Pù Luông thường ướp vịt với 10 loại gia vị khác nhau như nước mắm, gừng, sả, tiêu đen, mắc khén, hạt dổi rừng, lá mắc mật và mật ong... Vịt được ướp đều, massage trong 40-60 phút.
Đầu bếp có thể nhồi lá mắc mật và gia vị rồi khâu kỹ để quay vịt trên lò than hoặc có thể phanh bụng, dàn ngang để khi nướng, vịt nhanh chín và chín đều. Tại các khu nghỉ, nhà hàng, vịt thường được nướng bằng lò, lu đất hoặc than hoa. Ở homestay, du khách có thể cùng người dân trải nghiệm nướng vịt trên bếp củi.
Khi nướng được 10-15 phút, thịt săn lại, những giọt mỡ vàng óng chảy xuống bếp làm than củi thêm đỏ rực, mùi hương tỏa thơm phức. Tới khi vịt chín, lớp da chuyển sang màu nâu đỏ, nâu đậm.
Vịt được chặt khéo léo thành miếng vừa ăn, xếp lên mẹt, kèm theo các loại rau thơm và nước chấm. Khi ăn, thực khách có thể cuốn miếng vịt bên ngoài da giòn rụm, bên trong nóng hổi với húng quế, tía tô, rau rừng... rồi chấm với hỗn hợp muối, mắc khén nghiền nhỏ hoặc xì dầu, chao.
Nếu muốn cảm nhận rõ hơn sự khác biệt của vịt Cổ Lũng, du khách có thể đặt món vịt luộc. Khác với các giống vịt khác, loại vịt này khi luộc không cần cho các loại gia vị để khử mùi hôi. Phần thịt thơm, ngọt, đậm đà. Mức giá món vịt đặc sản này khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ 2-3 người ăn.
Pù Luông cách Hà Nội khoảng 170 km, nằm trên địa bàn huyện Bá Thước và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây được nhiều du khách ưa thích, ưu ái đặt tên là "Sa Pa thu nhỏ giữa xứ Thanh" nhờ có khí hậu trong lành, mát mẻ, xung quanh bao bọc bởi những ngọn núi lớn, thanh bình và hoang sơ.