Lo ngại Covid-19 lây nhiễm toàn cầu từ du thuyền cập cảng Campuchia
(Dân trí) - Sau khi du thuyền Westerdam được cập cảng ở Campuchia đưa hàng nghìn hành khách về nước, thì một nữ du khách người Mỹ bị phát hiện có kết quả dương tính với virus corona.
Vụ việc đang khiến dư luận thế giới xôn xao, khi hơn 2200 hành khách và thủy thủ trên du thuyền Westerdam được lên bờ tại cảng Sihanoukville của Campuchia sau nhiều tuần bị "hắt hủi" ở khắp nơi, bất ngờ một nữ du khách 83 tuổi người Mỹ trên tàu có kết quả dương tính với Covid-19. Vụ việc được giới chức Malaysia thông báo khi hành khách này nhập cảnh tại đây.
Điều này đang dấy lên những lo ngại về việc lây nhiễm chéo có thể diễn ra trước đó trên tàu.
"Người phụ nữ này ở trên tàu, có thể nhiễm bệnh vài ngày trước đó, tiếp xúc và lây bệnh cho những người khác. Trong khi những người này đều đã ề nước. Có thể ai đó đã nhiễm virus nhưng chưa xuất hiện triệu chứng, rồi họ bắt đầu một chuỗi lây nhiễm mới ở bất cứ đâu họ đặt chân tới", Giáo sư Stanley Deresinski đến từ trường Đại học Stanford, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nhận định.
Nói về trường hợp lây nhiễm chéo đang xảy ra mạnh mẽ trên tàu Diamond Princess, vốn bị cách ly ngoài cảng Yokohama của Nhật Bản, đây là nơi chiếm tỷ lệ nhiễm Covid-19 lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Bởi vậy, người ta không thể bỏ qua câu hỏi về tính hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus trên những con tàu du lịch.
Sự lo ngại khiến ngày càng nhiều quốc gia châu Á từ chối để các du thuyền hạng sang được cập cảng. Điều này đe dọa trực tiếp tới nguồn thu từ nhiều công ty sở hữu hay điều hành du thuyền, đơn cử như Carnival hay Royal Caribbean Cruises.
"Việc lây nhiễm chéo trên tàu du lịch chiếm tỷ lệ rất cao. Du khách cùng nhau di chuyển ở mọi nơi, sử dụng hành lang chung, chạm tay vào nắm cửa, lan can và nhiều nơi khác. Rất dễ để dính virus", Giáo sư Jean-Paul Rodrigue đến từ trường Đại học Hofstra ở New York (Mỹ), đưa ra nhận xét.
Quay lại câu chuyện của du thuyền Westerdam. Sau nhiều tuần lênh đênh trên biển, bị 5 cảng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ "quay lưng", Campuchia đã đồng ý tiếp nhận vào ngày 13/2 với lý do nhân đạo. Sau đó, hành khách được phép rời đi ngay hôm sau mà không cần kiểm dịch. Tới khi một vị khách người Mỹ bay tới Kuala Lumpur định đáp chuyến bay về quê, thì bị phát hiện nhiễm Covid-19.
Ngay sau đó, phía Malaysia từ chối nhập cảnh bất cứ hành khách nào đến từ tàu Westerdam. Điều này dẫn tới việc 3 chuyến bay đưa hành khách ra khỏi Campuchia bị hủy bỏ. Trong khi đó, những vị khách khác tiếp tục tới những điểm đến, bao gồm các sân bay ở Mỹ, Hà Lan, Australia...
Theo Giáo sư Deresinski cũng như các chuyên gia y tế khác, hành khách trên tàu Westerdam nên thực hiện nghiêm túc việc cách ly, hoặc ít nhất cần được giám sát bởi cơ quan y tế địa phương. Những quốc gia có công dân từ tàu trở về, nên cho họ thực hiện việc xét nghiệm kiểm tra.
Hoàng Hà
Theo Straitstimes/ NyTímes