Quảng Nam:

Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn “ế” khách

(Dân trí) - Khi làng du lịch cộng đồng ở Mỹ Sơn đưa vào hoạt động những tưởng sẽ giúp người dân thoát nghèo và du khách có thêm lựa chọn điểm lưu trú. Tuy nhiên hơn 1 năm triển khai, làng du lịch cộng đồng này vẫn “ế” khách.

Ngày 14/3/2013, làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) chính thức được khai trương đón khách (Dân trí đã có bài viết Nông dân đi học tiếng Anh để làm du lịch, mở ra hi vọng mới về sự thay đổi cuộc sống những hộ dân xung quanh vùng di sản Thánh địa Mỹ Sơn.

Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn “ế” khách
Ngã 3 bên phải là đường rẻ vào làng du lịch cộng đồng, đường bên trái đi 500m nữa là đến Thánh địa Mỹ Sơn

Thời gian đầu, dù lượng khách đến không nhiều nhưng thông qua việc sử dụng các dịch vụ tại chỗ như ăn uống, thuê xe… bước đầu cũng đã tạo luồng sinh khí mới cho làng; tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn số khách đến làng ngày càng giảm dần.

Trong số 9 nhóm dịch vụ đã được xây dựng như lưu trú, nấu ăn, hướng dẫn, thuê xe đạp, chèo thuyền, leo núi, massage, làm nông, bán hàng lưu niệm thì ngoài dịch vụ nấu ăn do các hộ dân chủ động liên hệ bên ngoài nấu tiệc, đám cưới... những dịch vụ còn lại rất ít hoạt động.

Báo cáo từ Ban quản lý du lịch cộng đồng Mỹ Sơn cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2014 chỉ chưa đầy 50 khách đến làng tham quan và trở về trong ngày, chủ yếu do Công ty CP du lịch Trà Kiệu (Đà Nẵng) đưa đến, doanh thu khoảng vài triệu đồng.

Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn “ế” khách
Làng du lịch cộng đồng ngày đưa vào khai trương. Ông Hồ Cư – một trong những người trong làng sửa soạn phòng ốc để đón khách

Ông Võ Văn Xoa, Trưởng Ban quản lý du lịch cộng đồng Mỹ Sơn tâm sự: “Do ít khách quá nên bà con cũng không còn háo hức như mới đầu đưa vào hoạt động nữa”. Ông Xoa cho biết, dù thời gian qua tổ hợp tác vẫn luôn duy trì các nhóm dịch vụ sẵn sàng phục vụ khi có khách, nhưng do còn quá mới mẻ, nên lượng khách không nhiều. Bên cạnh đó, do ít khách nên nhiều dịch vụ cũng không được người dân mạnh dạn đầu tư vì sợ khó thu hồi vốn, dẫn đến sản phẩm du lịch nghèo nàn đơn điệu.

Ngoài ra, do cách nhìn nhận không đúng của cộng đồng về dự án nên sinh ra tư tưởng ỷ lại, trông chờ làm ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch, xây dựng chất lượng dịch vụ, cảnh quang môi trường gặp nhiều khó khăn và hạn chế; nội bộ thành viên trong các tổ lục đục, mất đoàn kết; chưa có điểm đón khách ổn định….

Một nguyên nhân khác cũng gây hạn chế khách đến là công tác quảng bá yếu kém, chưa có website riêng cũng như phụ thuộc hoàn toàn vào Công ty CP du lịch Trà Kiệu… Đặc biệt, do chưa có giấy phép nên hoạt động của làng cũng gặp khó khăn khi đối tác cần quan hệ vì không đủ cơ sở pháp lý để giao dịch.

Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn “ế” khách
Ngoài thiên nhiên hữu tình, lại ở gần Thánh địa Mỹ Sơn nhưng du khách đến làng du lịch cộng đồng còn rất ít

Ông Trần Trà, Giám đốc Công ty CP du lịch Trà Kiệu cho rằng, việc đưa khách đến làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn luôn gặp khó khăn do khách rất kén chọn mô hình du lịch này nên số lượng thường không nhiều, chưa kể các dịch vụ tại chỗ chưa đủ sức hấp dẫn để giữ khách lưu dài ngày để trải nghiệm cuộc sống văn hóa của làng, điều đó cũng đồng nghĩa nguồn thu từ các hoạt động lưu trú, ăn uống, tham quan… không có.

Ông Võ Văn Xoa cho rằng, làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn muốn thành công ngoài các yêu tố chuyên môn, dịch vụ cần có sự phối hợp hỗ trợ của nhiều cấp ngành, địa phương trong việc đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm mới như mua sắm xe đạp, xích lô, thành lập làng nghề làm gốm Chăm. Ngoài ra, Ban quản lý di tích Mỹ Sơn cần tạo điều kiện cho làng trong việc đưa khách đến tham quan các điểm xung quanh di tích.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Nam - thừa nhận tình trạng ế ẩm tại làng du lịch cộng đồng ở Mỹ Sơn. Ông Cường cho rằng đây là dự án của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hỗ trợ người dân, tạo kế sinh nhai cho người dân ở vùng lân cận Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn.

Theo ông Hồ Tấn Cường, để thu hút khách du lịch đến với làng cần phải tiếp tục đầu tư cho các hộ dân trong làng bằng cách huấn luyện người dân cung cách phục vụ chuyên nghiệp hơn nữa, các dịch vụ trong làng phải theo quy chuẩn theo yêu cầu của du khách, nhất là khách quốc tế. Ngoài ra, tăng cường quản bá, đẩy mạnh kết hợp các tour tuyến của các công ty du lịch đưa khách đến với làng...

Công Bính