Du lịch Việt Nam đang hạ thấp giá trị, tự trở thành điểm đến giá rẻ

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc Khối Sun World - Tập đoàn Sun Group - nêu rõ, tài nguyên du lịch Việt xứng đáng trở thành điểm đến được du khách "chi mạnh" nhất, chứ không phải nơi du lịch giá rẻ.

"Chúng ta đang tự dìm hàng"

Tại hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch", bà Trần Nguyện cho biết, khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch bằng tour giá rẻ rất nhiều. Tuy nhiên, không phải vì du khách không có nhiều tiền mà bởi khách sạn, tour du lịch của chúng ta có chất lượng không thua kém họ, nhưng giá lại rẻ hơn.

"Có thể thấy rõ chúng ta đang tự "dìm hàng", tự biến bản thân thành điểm đến giá rẻ trong khi thiên nhiên, du lịch Việt xứng đáng có giá hơn. Chúng ta phải phát triển sao cho đúng chứ không phải chỉ giá rẻ là tốt, đó là cạnh tranh không lành mạnh", bà Trần Nguyện nói.

Du lịch Việt Nam đang hạ thấp giá trị, tự trở thành điểm đến giá rẻ - 1

Bà Trần Nguyện nhấn mạnh du lịch Việt xứng đáng có giá trị cao hơn, không chỉ là điểm đến giá rẻ (Ảnh: Nguyễn Vy).

PGS. TS. Phạm Trung Lương - Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch - cho biết, kinh tế đêm là thứ đóng góp rất lớn cho nguồn thu của du lịch. Tuy nhiên, du lịch Việt vẫn còn chậm và chưa cởi mở về vấn đề này. Trong khi các nước lân cận phát triển kinh tế đêm theo hướng tích hợp giữa vui chơi, giải trí, mua sắm, ăn uống,… thì Việt Nam chỉ có thể làm tốt khoản ẩm thực đêm.

"Thực tế, du khách đến Singapore chi hơn 50 USD/đêm, ở Thái Lan trên 30 USD/đêm nhưng ở Việt Nam chỉ 5,7 USD. Không chỉ thua thiệt về chính sách visa, chúng ta còn kém về mảng chất lượng sản phẩm du lịch. Chúng ta ít chịu thay đổi, những sản phẩm du lịch không mang tính khác biệt khiến du khách đã trải nghiệm rồi, không muốn quay lại nữa", vị này trình bày.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng của Thái Lan tương đương Việt Nam và luôn dẫn đầu tại các nước Đông Nam Á. Nhưng, lượng khách của Việt Nam chỉ bằng 50% Thái Lan. Mức độ chi tiêu khách quốc tế chỉ bằng 40% nước này.

Nếu so sánh với các nước như Philippines, Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì tổng mức chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều.

Phó tổng giám đốc Khối Sun World trình bày, lượng khách đến Sun World Ba Na Hills dịp Tết Nguyên đán 2023 chỉ đạt khoảng 55% so với Tết Nguyên đán 2019. Hay ở Phú Quốc trong mùa quý 4 và quý 1 - mùa inbound tụt giảm cũng gần 50%. Tại Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), có những tuần đóng cửa vì du khách không đủ đông. Tình trạng sụt giảm lượng khách có nguyên nhân lớn từ việc thiếu vắng khách quốc tế.

Trong khi Việt Nam chậm đổi mới thì các điểm đến khác đã có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để hút khách. Chẳng hạn, Đài Loan tặng 165 USD cho 500.000 du khách cá nhân, Hong Kong tặng 500.000 vé máy bay cho khách quốc tế, Hàn Quốc với chuỗi sự kiện "Văn hóa Hàn Quốc không điểm dừng" và hòa nhạc Hallyu ở 50 thành phố lớn trên thế giới. Philippines lên kế hoạch hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch nước ngoài,…

Theo PGS. TS. Phạm Trung Lương, Việt Nam là một điểm không thua kém các nước trong khu vực, có 8 di sản vật thể và 15 di sản phi vật thể, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 10 vườn di sản mà thế giới đã công nhận. Việt Nam cũng được xem là điểm đến an toàn, thân thiện. Từ đó, có thể nói tài nguyên, con người Việt Nam không thua kém các nước khác. Đây là nền tảng hấp dẫn du khách rất lớn mà không phải nước nào cũng có.

Du lịch Việt Nam đang hạ thấp giá trị, tự trở thành điểm đến giá rẻ - 2

PGS. TS. Phạm Trung Lương phát biểu tại hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố quyết định ảnh hưởng việc lựa chọn điểm đến sau Covid-19 của du khách. Đó là hình ảnh điểm đến, các giá trị hấp dẫn. Song song đó là sản phẩm để trải nghiệm, sản phẩm đặc thù, khác biệt với các quốc gia khác. Tiếp theo là những yếu tố về môi trường du lịch, văn hóa; tiện ích ở điểm đến bao gồm thủ tục di chuyển, chi phí về thời gian,... 

"Hiện nay có rất nhiều điểm du lịch hoang sơ vẫn còn để trống, khiến du khách thất vọng vì những mô hình du lịch thiên nhiên không có gì đổi mới. Du lịch khác biệt nằm ở chỗ cách chúng ta khai thác đúng, tối ưu nguồn tài nguyên thiên nhiên, chứ không phải chỉ tập trung vào phát triển khách sạn", ông Lương nhấn mạnh.

Đánh mạnh vào mua sắm là cách "móc hầu bao" du khách

Nhìn nhận vấn đề này, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn nêu rõ cách để doanh nghiệp lữ hành Việt Nam "bỏ túi" hàng tỷ USD từ du khách nước ngoài, chính là đánh mạnh vào mua sắm.

Cụ thể, hiện nay các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực đều sử dụng mô hình trung tâm thương mại bán hàng giảm giá qua mùa. Theo đó, họ bố trí các khu outlet (cửa hàng tồn kho) và treo biển giảm giá 50-90%. Du khách chẳng những mua được hàng giá rẻ, mà còn được mua hàng trong khu phi thuế quan. 

Du lịch Việt Nam đang hạ thấp giá trị, tự trở thành điểm đến giá rẻ - 3

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn gợi ý những cơ hội giúp tăng doanh thu của Việt Nam trong lĩnh vực du lịch (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Đừng để du khách mang tiền đến rồi lại đem về, chẳng chi được bao nhiêu. Việc khai trương cửa hàng miễn thuế dưới phố trong thời gian tới là cơ hội lớn cho Việt Nam để tăng cường nguồn thu từ ngành du lịch. Với mức giá ưu đãi, khách du lịch sẽ thường xuyên lui tới mua sắm, làm tăng lưu lượng khách du lịch đến Việt Nam", vị tỷ phú hàng hiệu khẳng định.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ, có nhiều du khách quốc tế tới Việt Nam vẫn còn than phiền về việc thiếu và không có những sản phẩm giá trị, đa dạng để du khách mua sắm. Điều này dẫn đến không có địa điểm mua sắm phù hợp để du khách tiêu tiền.

"Việt Nam cần các chính sách để phát triển mô hình du lịch sức khỏe và phát triển các tổ hợp mua sắm, vui chơi, giải trí.  Các công trình đầu tư quy mô lớn để "móc hầu bao" du khách như ở Singapore, Thái Lan, đảo Hải Nam, chúng tôi đã và đang làm để đến giai đoạn hoàn thiện dự án trình UBND TPHCM", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Ông còn đề xuất mô hình liên kết giữa các cửa hàng miễn thuế và các doanh nghiệp phục vụ ngành du lịch như lữ hành và hàng không. Theo đó, các hãng hàng không sẽ "bắt tay" với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế. Với mỗi đoàn khách, đơn vị kinh doanh cửa hàng miễn thuế sẽ bù trừ lại 10% cho doanh nghiệp lữ hành.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM thừa nhận, sự phục hồi không đồng bộ giữa khách nội địa và quốc tế, những yếu điểm mà mô hình du lịch đang mắc phải.

Du lịch Việt Nam đang hạ thấp giá trị, tự trở thành điểm đến giá rẻ - 4

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa đồng tình với những vấn đề, giải pháp mà các chuyên gia đặt ra cho du lịch Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Chúng tôi hy vọng cơ quan Chính phủ sẽ có những giải pháp liên hoàn cho hệ sinh thái du lịch, có những chính sách tháo gỡ và thúc đẩy du lịch phục hồi hơn", bà Hoa nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm