Bình Định:

Khai phá "báu vật" sinh thái đầm Thị Nại

Doãn Công

(Dân trí) - Với diện tích trên 5.000ha cùng hàng trăm loài động, thực vật sinh sống, trong đó nhiều loài có tên trong Sách Đỏ, đầm Thị Nại là "báu vật" để đưa du lịch Bình Định cất cánh mạnh mẽ trong tương lai.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, tỉnh đang xây dựng quy hoạch tổng thể của vùng Tuy Phước, lấy trung tâm là đầm Thị Nại với Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Cồn Chim rất quý.

Khai phá báu vật sinh thái đầm Thị Nại - 1

Đi trên đầm Thị Nai (Bình Định) tưởng như đang ở vùng sông nước miền Tây (Ảnh: Doãn Công).

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, tỉnh đã mời các chuyên gia cho ý kiến nhằm tạo quy hoạch tổng thể hiện đại, trong thời gian đến sẽ xây dựng sản phẩm du lịch trên đầm Thị Nại.

"Trước mắt, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện việc khơi thông luồng tuyến ra vào kết nối giữa Quy Nhơn với đầm Thị Nại, ưu tiên tuyến du lịch đường thủy. Tiếp đến, khi có quy hoạch tổng thể, sẽ đầu tư, phát triển các điểm du lịch xung quanh đầm, để làm sao phát triển du lịch đêm, du lịch sinh thái, tạo ra các sản phẩm mới để phát triển du lịch tỉnh Bình Định trong thời gian đến", ông Dũng nói.

Khai phá báu vật sinh thái đầm Thị Nại - 2

Khung cảnh đầm Thị Nại (Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân).

Trước đó, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cùng ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh này đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh, cùng các chuyên gia đi khảo sát để thành lập một số tour, tuyến, điểm du lịch mới tại đầm Thị Nại và một số điểm du lịch ở huyện Tuy Phước (Bình Định).

Các đơn vị lữ hành nhận định đầm Thị Nại rất có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch tái tạo năng lượng. Bởi những rừng ngập mặn, hệ sinh thái tự nhiên nơi đây phong phú và còn nguyên vẹn.

"Cảnh quan tại đây tạo cảm giác như chúng ta đang ở đồng bằng Nam bộ. Chúng tôi sẽ tính toán để thiết lập các tour tuyến tại Bình Định, làm sao để cân bằng hơn giữa du lịch lịch sử, tâm linh, sinh thái biển, đầm vịnh. Tôi cho rằng đầm Thị Nại là tài nguyên, báu vật của du lịch Bình Định, nếu khai thác tốt, đây sẽ là động lực để phát triển du lịch Bình Định trong tương lai", đại diện Vietravel chia sẻ.

Khai phá báu vật sinh thái đầm Thị Nại - 3

Tháp Bánh Ít ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước là một trong những cụm tháp Chăm gần nghìn năm tuổi hiện còn tồn tại trên vùng đất Bình Định. Đây cũng là công trình kiến trúc cổ của Việt Nam lọt vào cuốn sách "1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời" của nhóm tác giả người Anh. (Ảnh: Nguyễn Dũng).

Đầm Thị Nại có diện tích trên 5.000ha mặt nước, chạy dài hơn 10km, bề rộng tới gần 4km. Đây là quần thể sinh cảnh với gần 1.000ha rừng ngập mặn, hơn 200ha thảm cỏ biển với có 25 loài, gần 200 loài thủy sinh, cá, phù du và trên 100 loài chim.

Bình Định đang dành gần 400ha đầm Thị Nại để phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái kết hợp công viên rừng mặn. Các ngành chức năng đang trong giai đoạn khảo sát, thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại.