Khách Việt "đứng tim" xem lễ hội của bộ tộc làm đẹp kỳ quái ở Ethiopia

Diệp Bình

(Dân trí) - Tiếng trống nổi lên, những người phụ nữ bộ lạc Hammer (Ethiopia) nhảy thành vòng tròn đợi được quất roi vào người. Vết sẹo chằng chịt trên lưng, rỉ máu, họ hạnh phúc nắm tay nhau nói cười.

Những hủ tục kỳ lạ

Đó là một trong những ký ức đáng nhớ của anh Bùi Văn Hồ (SN 1988, ngụ Đồng Tháp) trong chuyến du lịch Ethiopia vào tháng 11/2022.

Anh cho biết, bản thân rất ấn tượng với những bộ lạc cổ thuộc Ethiopia, quốc gia nằm ở phía Đông châu Phi. Họ tập trung sinh sống tại thung lũng Omo, gìn giữ những nét truyền thống như tết tóc, đeo trang sức và thực hiện các nghi lễ đấu bò, khoét vành môi để đánh dấu sự trưởng thành. 

Trong chuyến đi, anh Hồ đã dành 7 ngày ở tại thung lũng Omo để khám phá đời sống các bộ lạc cổ - nơi chưa bị tác động bởi nền văn minh hiện đại.

Mỗi bộ lạc cổ đều có nét đặc trưng riêng biệt, người Mursi nhét đĩa vào vành môi để làm đẹp, người Hammer thường bôi lên tóc hỗn hợp máu bò, sữa và đất sét, các cậu bé người Karo sẽ vẽ kín mặt và đi cà kheo.

Khách Việt đứng tim xem lễ hội của bộ tộc làm đẹp kỳ quái ở Ethiopia - 1

Những bộ lạc cổ ở thung lũng Omo (Ảnh: NVCC)

Khách Việt đứng tim xem lễ hội của bộ tộc làm đẹp kỳ quái ở Ethiopia - 2

Những tục lệ lạ mắt thu hút chàng du khách Việt Nam (Ảnh: NVCC).

Những người thuộc bộ lạc Ethiopia thường sẽ khó chịu trước sự có mặt của người lạ. Vì thế, anh Hồ buộc phải thuê hướng dẫn viên là người bản xứ để được hướng dẫn, tiếp cận người dân.

Tháng 11, Ethiopia vẫn có nắng nóng khắc nghiệt, buổi trưa nhiệt độ lên đến 40 độ C. Chiếc xe Jeep chạy qua những đồng cỏ cháy bạt ngàn rồi dừng trước nơi sinh sống của người Hammar, bộ lạc đông dân nhất khu vực thung lũng Omo. Họ dựng nhà bằng đất sét và tre, thực phẩm chính là vỏ đậu nành được nấu lên. 

"Chúng tôi may mắn đến đúng lúc lễ hội truyền thống 3 năm mới có một lần diễn ra. Những người phụ nữ đã kết hôn sẽ đeo vòng cổ, mặc trang phục sặc sỡ. Họ xếp thành vòng tròn và cùng nhau nhảy múa. Tiếng nhạc, tiếng trống nổi lên, tiếng hò reo thêm rộn rã.

Những người đàn ông cầm cây gai rừng quật liên tục vào lưng các cô gái để thể hiện "tình cảm". Một số người phụ nữ giành nhau roi, yêu cầu được đánh mạnh vào lưng. Vết sẹo to dần, hằn rõ rồi rỉ máu, họ hạnh phúc cất lên khúc hát quen thuộc", anh Hồ nhớ lại.

Degu, hướng dẫn viên địa phương, cho biết những vết sẹo là niềm tự hào của người phụ nữ, chứng minh sự chung thủy và tình yêu mãnh liệt của người đàn ông. Đối với những người không có vết sẹo to, họ sẽ tìm cách bôi than, vỏ trấu để chúng lâu lành hơn.

Sau đó, họ dành thời gian để nam giới tuổi trưởng thành thực hiện lễ hội nhảy bò. Sự kiện này kéo dài suốt 3 ngày, người đàn ông buộc phải nhảy qua 10-30 con bò bị thiến và không được ngã. Nếu thành công, người đàn ông sẽ được gia nhập vào "Maza", hàng ngũ dành cho người đàn ông hoàn thành xuất sắc lễ hội nhảy bò.

Khách Việt đứng tim xem lễ hội của bộ tộc làm đẹp kỳ quái ở Ethiopia - 3

Người phụ nữ để người đàn ông đánh chằng chịt sẹo để thể hiện niềm tự hảo (Ảnh: NVCC).

Chuyến đi đáng nhớ nhất đời

Anh Bùi Hồ gọi Ethiopia là chuyến đi "đáng nhớ nhất đời". Suốt 12 ngày ở Ethiopia, anh đi qua nhiều trải nghiệm thú vị ở những bộ lạc vẫn giữ tập tục từ nghìn xưa, ngắm nhìn sự hùng vĩ của đồi núi, những nhánh sông cắt sâu vào thềm lục địa hay các đồng cỏ rộng lớn. Đồng thời, nạn thiếu lương thực và nước sạch là một trong những vấn đề lớn tại quốc gia này. 

"Ngày đầu tiên ở Ethiopia, anh chàng hướng dẫn viên đã dặn dò, nước sạch và lương thực rất quý, xin bạn hãy sử dụng tiết kiệm. Thật vậy, khi xe dừng tại nhà hàng ăn trưa, chúng tôi xả nước thì thấy vòi chỉ chảy nhỏ giọt. Khoảng 3 phút, nước mới đầy đủ để rửa tay, rửa mặt. Nước sạch được chúng tôi trữ sẵn trên xe trong suốt hành trình, bởi khu vực sinh sống của các bộ lạc không có đủ nước.

Khoảnh khắc khiến tôi xúc động nhất là những em bé người Ethiopia gầy nhom, bụng to do thiếu muối i-ốt. Các em có thể reo vui hạnh phúc khi được cho một viên đường, gói kẹo hay túi bánh. 

Khách Việt đứng tim xem lễ hội của bộ tộc làm đẹp kỳ quái ở Ethiopia - 4

Lễ hội truyền thống 3 năm mới diễn ra một lần là trải nghiệm không thể quên đối với du khách (Ảnh: NVCC).

Khách Việt đứng tim xem lễ hội của bộ tộc làm đẹp kỳ quái ở Ethiopia - 5

Người phụ nữ bộ lạc Hammer chằng chịt sẹo (Ảnh: NVCC).

Khi đến thung lũng Omo, chúng tôi gặp những đứa trẻ người Karo gầy rộc, đi cà kheo để thu hút khách du lịch. Món quà khiến các em hạnh phúc đó là những gói mì được mang từ Việt Nam.

Chúng tôi đã nhờ tài xế chuẩn bị nước sôi để cùng họ ăn mì. Không ít lần, trên hành trình di chuyển, tôi đã chứng kiến gia đình bao gồm người lớn, trẻ em ngủ gục bên vệ đường, lả đi vì đói. Chính vì sự khan hiếm của thực phẩm, tôi chưa bao giờ dám bỏ thừa thức ăn, dù nhiều món không hợp khẩu vị", anh Hồ nhớ lại. 

Hướng dẫn viên Degu cho biết, chính vì cuộc sống khó khăn, những đứa trẻ Ethiopia được đến trường phải nỗ lực rất nhiều. Hơn 20 năm trước, Degu là một đứa trẻ lớn lên ở Jinka, thành phố phía nam Ethiopia, nơi không có điện lẫn nước máy. Trong một lần chạy theo khách du lịch chơi, cậu bé Degu đã được người đàn ông Mỹ ngỏ ý: "Cháu có muốn đi học không? Nếu được đến trường, hãy học thật tốt nhé". Degu gật đầu. 

Khách Việt đứng tim xem lễ hội của bộ tộc làm đẹp kỳ quái ở Ethiopia - 6

Tóc người Hammer được tết lại, bôi hỗn hợp sữa, đất sét và máu bò (Ảnh: NVCC)

Sau đó, mỗi năm anh đều nhận được tiền viện trợ từ vị khách du lịch xa lạ, chi trả tiền học phí, sinh hoạt. Khi Dego lên cấp 3, anh đã đến thủ đô Addis Ababa để tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường và trở thành hướng dẫn viên du lịch. Giáo dục đã làm thay đổi con người và cuộc đời cậu bé năm nào.

"Tôi luôn muốn mình phải nhìn về phía trước, như cây cà phê Ethiopia luôn vươn lên giữa đất đai cằn cỗi", Degu nói.