Khách Trung Quốc trở lại không như mong đợi, "cơn khát" chưa giải tỏa
(Dân trí) - Nhiều điểm đến nổi tiếng thế giới vẫn mòn mỏi chờ đợi một làn sóng du khách Trung Quốc thực sự quay trở lại sau khi nước này dỡ bỏ hạn chế đi lại, nhưng "cơn khát" vẫn chưa được giải tỏa.
Sự trở lại chậm chạp
Những du khách Trung Quốc đầu tiên hạ cánh xuống sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok (Thái Lan) trong tháng này, họ được chào đón như người nổi tiếng với biểu ngữ trang trọng, hoa và quà cùng đám đông phóng viên, nhiếp ảnh gia.
Đây là thời điểm các khách sạn, hãng hàng không, công ty lữ hành và quan chức chờ đợi từ lâu - Trung Quốc mở cửa biên giới sau gần 3 năm hạn chế. Điều này đã "cắt đứt" thế giới với du khách Trung Quốc, từng là nguồn thu nhập du lịch lớn nhất toàn cầu.
Hua Liu, 34 tuổi, du khách đến từ Thượng Hải và là một trong những người đầu tiên quay lại Thái Lan, chia sẻ niềm hạnh phúc khi được du lịch trở lại.
"Tôi sẽ bù đắp quãng thời gian đã mất bằng cách ở khách sạn sang xịn, đi spa, ăn nhà hàng sang chảnh và mua tặng bản thân cũng như gia đình những món quà", cô nói.
Trước khi đại dịch Covid-19 làm tê liệt hoạt động du lịch quốc tế vào năm 2020, Trung Quốc là lực lượng khách quốc tế nhiều nhất thế giới. Thống kê của Tổ chức du lịch thế giới và Học viện du lịch Trung Quốc cho thấy, năm 2018, quốc gia này có khoảng 150 triệu người đi du lịch, chi tiêu 277 tỷ USD ở nước ngoài.
Nhưng làn sóng ấy đã dừng lại vào năm 2020 và 2021. Phải tới ngày 8/1 vừa qua, khi chính phủ Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới, các điểm đến nổi tiếng càng háo hức chờ đợi một làn sóng du khách trở lại.
Thời điểm đó, nhiều chuyên gia du lịch dự đoán, một lượng lớn khách Trung Quốc sẽ đổ dồn về các điểm đến ưa thích một thời. Công ty du lịch trực tuyến Trung Quốc Ctrip cho biết, số lượt tìm kiếm chuyến bay rời Trung Quốc đại lục ra nước ngoài tăng 83%, lượng đặt chặng quốc tế tăng 59%.
Dù một số điểm đến lân cận đang chứng kiến sự thay đổi so với thời điểm dịch bệnh hoành hành, thì ở những điểm đến xa hơn vẫn trong tình trạng chờ đợi mòn mỏi.
Nguyên nhân là, số ca mắc Covid-19 ở nước này vẫn gia tăng. Ngoài ra, du khách còn đối mặt với tình trạng chậm trễ khi làm hộ chiếu, xin thị thực, giá chặng quốc tế tăng cao.
Khi nghe tin Trung Quốc mở cửa, ông Borprit Chailert, quản lý công viên ở Chiang Mai, Thái Lan, háo hức chờ đợi sự bùng nổ của "tệp khách hàng" này. Nhưng đến nay, ông cho biết mới chỉ đón khoảng 40 khách.
Những người làm du lịch ở Thái Lan hiểu rằng, tình hình chưa thể cải thiện "một sớm một chiều" cho tới hết tháng 2 năm nay. Hiện chỉ những du khách Trung Quốc dư dả tài chính mới đủ khả năng mua vé máy bay có giá đắt đỏ để "du lịch trả thù" sau đại dịch.
Bên cạnh đó, các công ty lữ hành chứng kiến cảnh khách đặt tour giảm dần. Nhóm khách am hiểu công nghệ, thành thạo các ứng dụng đặt chỗ sẽ tự lên kế hoạch cho chuyến đi, thay vì phụ thuộc vào một bên thứ 3. Bởi vậy trong khoảng 10 năm trở lại đây, dù tổng số khách Trung Quốc gia tăng, nhưng tour du lịch theo nhóm có xu hướng giảm.
Khó khăn nối tiếp
London, một điểm đến phổ biến khác của du khách Trung Quốc, thu hút hơn 300.000 người tới khu China Town vào tuần trước để tham gia buổi diễn hành đón Tết Nguyên Đán, trong số đó, lượng khách Trung Quốc lại rất ít.
Feng Yang, quản lý của Shanghai Family, một nhà hàng Trung Quốc ở trung tâm London, cho biết, ông không mong đợi bất cứ khách Trung Quốc nào xuất hiện vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng mong ngóng họ sẽ sớm xuất hiện sau vài tháng nữa.
"Họ vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19", ông nói.
Trong khi đó, bà Patricia Yates, Giám đốc điều hành của VisitBritain, nhận định "sự trở lại của khách Trung Quốc khá chậm chạp", bởi hiện tại giá vé máy bay đắt đỏ hơn nhiều.
Số liệu của tổ chức VisitBritain cho thấy, chuyến bay khứ hồi từ Trung Quốc đến London hiện có giá khoảng 1.300 USD. Tính đến ngày 27/1, số ghế sẵn sàng phục vụ khách trong chuyến bay thẳng từ Trung Quốc tới Vương quốc Anh chỉ bằng khoảng 8% số ghế so với năm 2019.
Cùng chung nhận định, các nhà điều hành du lịch ở Australia không kỳ vọng lượng khách sẽ tăng đột biến trong vài tháng tới.
Trước đại dịch, Trung Quốc từng là thị trường khách quốc tế lớn nhất ở Australia. Năm 2019, hơn 1,4 triệu nhóm khách này tới Australia, chi tiêu 12,4 tỷ USD. Nhưng hiện nay, Australia không nằm trong danh sách các điểm du lịch theo nhóm được Trung Quốc chấp thuận. Nước này cũng yêu cầu xét nghiệm Covid-19 với khách Trung Quốc.