Khách Trung Quốc tiêu tiền thận trọng, không còn hào phóng như trước
(Dân trí) - Nhiều du khách trẻ có nguồn ngân sách vừa phải, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ để tự đi du lịch và quản lý chi tiêu không còn hào phóng như trước.
"Sự trở lại không còn như xưa"
Trên một bến tàu ở khu nghỉ dưỡng thuộc Pattaya, Thái Lan, treo đầy cờ của hướng dẫn viên phục vụ cho các đoàn khách đến từ Trung Quốc.
Du khách của "quốc gia tỷ dân" đặc biệt là nhóm khách trẻ bắt đầu có xu hướng trở lại những thị trường du lịch ở các nước trong khu vực. Huang Hubin và Huang Junjie đến từ Quảng Châu là một trong số đó.
Chờ đợi suốt thời gian dài, ngay sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới, Huang Hubin và Huang Junjie, 2 du khách ở độ tuổi ngoài 20, chọn cách tự khám phá thay vì đặt tour tuyến. Họ cho biết làm như vậy vừa tiết kiệm chi phí đi lại, vừa không bị phụ thuộc lịch trình của hãng lữ hành. Pattaya là điểm đến đầu tiên của họ.
"Khoảng cách tới Thái Lan vừa gần, lại dễ xin visa", Hubin chia sẻ sau một ngày trải nghiệm lặn biển và chơi dù lượn ở Pattaya.
Tờ SCMP nhận định, nhóm du khách trẻ với khoản ngân sách vừa phải, sành sỏi về công nghệ để hỗ trợ du lịch, đang đổ bộ tới các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2019, gần 1,2 triệu khách du lịch Trung Quốc đến Bali, chiếm khoảng 1/5 tổng số khách quốc tế.
Từ lâu, "thiên đường du lịch" Bali (Indonesia) vốn vắng bóng cảnh từng đoàn xe chở đầy khách Trung Quốc dừng trước khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
Dù Bali vẫn đang đón lượng khách ổn định. Người dân trên đảo tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của những đoàn khách từ Australia, Ấn Độ, Nga, trong khi người làm du lịch đang mong khách Trung Quốc quay lại.
Ông Tjokorda Sukawati, Thống đốc của Bali cho biết, hòn đảo này mới chỉ đón khoảng 10.000 khách Trung Quốc từ đầu năm 2023. Con số này không đáng kể là bao so với quá khứ.
Tương tự, ngay tại trung tâm du lịch ở Singapore cũng trải qua tình trạng khách Trung Quốc đến với số lượng "nhỏ giọt" thay vì "làn sóng" như kỳ vọng.
Đã hơn 2 tuần kể từ thời điểm các đoàn du lịch được phép tổ chức ra bên ngoài biên giới (từ ngày 6/2), nhưng lượng khách Trung Quốc tới Đông Nam Á vẫn ở mức khiêm tốn, trái ngược hẳn dự đoán của các chuyên gia về sự phục hồi ấn tượng. Điều này khiến các công ty du lịch, lữ hành và giới làm chính sách băn khoăn.
"Điều này khác hẳn với thời điểm trước đại dịch. Trước kia, chúng tôi cần vài chuyến xe bus chỉ để phục vụ một đoàn khách, thì nay mỗi đoàn chỉ khoảng 20 người", ông Uzaidi Udanis, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Malaysia, nói.
Theo ông Udanis, lượng khách Trung Quốc "còn khiêm tốn" một phần do thiếu các chuyến bay thẳng kết nối bên ngoài tới đại lục. Đây là hệ quả sau những năm ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Dù các tuyến du lịch được dự báo sẽ phục hồi hoàn toàn, chỉ là câu chuyện sớm hay muộn, nhưng nhiều công ty du lịch vẫn nhận định, đoàn khách Trung Quốc sẽ "không còn phổ biến như trước kia".
Thói quen chi tiêu thay đổi
Những người làm lữ hành nhận định, khách Trung Quốc đang thay đổi cách chi tiêu cho du lịch. Anh Wing Kwoing, hướng dẫn viên du lịch ở Campuchia, nhận thấy, du khách tới đây vào dịp Tết âm lịch vừa qua, thận trọng hơn trong cách tiêu tiền cũng như lựa chọn điểm đến.
"Trước đây, họ uống mỗi người một quả dừa, thì nay 2 hay 3 người chung một quả. Họ từng chọn nhà hàng có máy lạnh mát rượi để ăn uống, thì giờ lại chọn chỗ bình dân hơn", anh Wing nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, điều này không có nghĩa khách Trung Quốc không muốn chi tiêu. Ngược lại, họ sẵn lòng bỏ nhiều tiền hơn, nhưng với điều kiện phải được tận hưởng trải nghiệm mới. Ví dụ như đi bộ xuyên rừng, câu cá dưới biển sâu. Đó là nhóm khách mê tìm kiếm cảm giác mạnh.
"Họ muốn những thứ cụ thể và rất ý thức về điều mình muốn làm. Khách Trung Quốc có xu hướng không muốn đi theo hướng dẫn viên du lịch một cách mù quáng nữa", Colin Goh, nhà điều hành trải nghiệm du lịch ở Singapore, nhận xét.