Khách Trung Quốc chưa ồ ạt đến Việt Nam sau mở cửa

Thúy Thanh

(Dân trí) - Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, khách Trung Quốc sẽ không trở lại Việt Nam ồ ạt ngay sau khi mở cửa, họ cần thời gian thăm dò điểm đến sau gần 3 năm cách ly với thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3 ước đạt hơn 895.000 lượt. Dù có sự trở lại của nguồn khách Trung Quốc từ ngày 15/3, kết quả này vẫn giảm 4% so với tháng trước.

Tuy vậy, so với cùng kỳ 2022, lượng khách tháng 3 vẫn tăng hơn 20 lần, bằng 64% năm 2019. Tổng lượt khách quốc tế ước đạt gần 2.7 triệu lượt trong quý I, gấp 30 lần so cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ bằng 60% trước dịch.

Kết quả này cho thấy, những nỗ lực thu hút khách quốc tế vào Việt Nam thời gian qua đã mang về những chuyển biến tích cực. 

Khách Trung Quốc chưa ồ ạt đến Việt Nam sau mở cửa - 1

Dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt được như trước đại dịch song đã có những tín hiệu tích cực (Ảnh: Thanh Thúy).

Hàn Quốc tiếp tục là thị trường đưa khách lớn nhất vào Việt Nam với hơn 250.000 lượt trong tháng 3 và hơn 810.000 lượt trong ba tháng đầu năm, tăng 55% so với cùng kỳ 2022 và bằng 81% trước dịch. Thứ hai là Trung Quốc (gồm đại lục, Đài Loan và Hong Kong) với hơn 110.000 lượt trong tháng 3, nhưng chỉ bằng 7,3% so với 1,5 triệu lượt cùng kỳ năm 2019.

Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, khách Trung Quốc sẽ không trở lại Việt Nam ồ ạt ngay sau khi mở cửa, họ cần thời gian thăm dò điểm đến sau gần 3 năm cách ly với thế giới. 

Theo Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký hội đồng tư vấn du lịch (TAB): "Dự kiến đến khoảng nửa cuối năm nay mới có sự bùng nổ ở nhóm khách này. Các doanh nghiệp lữ hành nên tận dụng thời gian này để nghiên cứu thị trường, tung ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách Trung Quốc sau dịch".

Đặc biệt, từ tháng 9 sẽ chính vụ khách quốc tế, đây là thời điểm nhiều quốc gia trên thế giới có các kỳ nghỉ lễ lớn, xu hướng đi du lịch tránh lạnh... Việt Nam sẽ là điểm đến yêu thích của các quốc gia châu Âu, châu Mỹ.

Các thị trường quốc tế khác đang dần phục hồi, tuy không đồng đều. So với tháng 2/2023, Singapore (tăng 36,8%), Nhật Bản (tăng 28,5%), Bỉ (tăng 27,1), Malaysia (tăng 23%), Tây Ban Nha (tăng 18,3), Indonesia (tăng 17,2%), Italy (tăng 16%), Đức (tăng 13,3%). 

Ở chiều ngược lại, Lào (giảm 55,3%), Đài Loan (giảm 29%), Campuchia (giảm 28%), Hàn Quốc (giảm 17%), Mỹ (giảm 15%), Philippines (giảm 14%), Canada (giảm 12,6%). 

Khu vực Đông Bắc Á phục hồi chậm nhất. Bên cạnh đó, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đã làm gián đoạn kết nối hàng không cũng như các hoạt động du lịch.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý 1 năm 2023 ước đạt 161.000 tỉ đồng. Trong đó doanh thu của một số địa phương tăng so với cùng kỳ năm trước như: Đà Nẵng tăng 73,5%; Quảng Ninh tăng 43,1%; Cần Thơ tăng 42,4%; TP.HCM tăng 37,2%; Hà Nội tăng 12,5%...

Doanh thu du lịch lữ hành quý 1 ước đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương.

Đánh giá về đón khách quốc tế quý I năm 2023, ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết: "Năm 2023 có nhiều tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt trong việc thu hút khách quốc tế. Chúng ta có thêm nguồn khách mới từ Trung Quốc, một trong những "giỏ hàng" du lịch lớn nên mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế chắc chắn sẽ đạt được".

Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy nhìn nhận, lượng khách trong 3 tháng đầu năm đến Việt Nam cho thấy tín hiệu tích cực của du lịch Việt. Với mức tăng trưởng này, mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay hoàn toàn trong tầm tay. 

Thời gian tới, theo ông Thủy, các doanh nghiệp du lịch không chỉ làm sao thu hút đông khách quốc tế mà cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách để họ "đến Việt Nam lâu hơn, chi tiêu nhiều tiền hơn".

"Chúng ta chưa bước vào mùa du lịch cao điểm nhưng đã có những kết quả đón khách rất khả quan. Đặc biệt, Trung Quốc - thị trường trọng điểm của Việt Nam cũng đã có tín hiệu tích cực khi chính phủ nước này cho phép mở cửa đưa khách đoàn sang các nước du lịch. Việt Nam cần nắm bắt cơ hội, tăng cường quảng bá, xúc tiến để thu hút lượng khách này, cạnh tranh với các nước trong khu vực", ông Thủy nói.