Vì sao khách quốc tế vẫn bất chấp kéo đến xóm cà phê đường tàu Hà Nội?
(Dân trí) - Ngay khi đáp xuống sân bay Nội Bài, câu đầu tiên nhiều khách quốc tế nói với hướng dẫn viên là: "Chúng tôi muốn đến xóm cà phê đường tàu!".
"Điểm du lịch phải đến một lần trong đời"
Chiều cuối tuần, Patrick (38 tuổi) và bạn gái Laura (37 tuổi), du khách Switzerland, ghé phố cà phê đường tàu nổi tiếng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhưng không thể vào bên trong do các rào chắn đã được dựng lên từ 6 tháng trước.
"Đây là lần đầu tôi đến Việt Nam, biết đến xóm cà phê đường tàu qua mạng xã hội", Patrick nói, cho rằng con xóm nhỏ độc đáo này là "điểm du lịch phải ghé đến một lần trong đời".
"Tôi đã vô cùng choáng ngợp trước những hình ảnh, video về xóm đường tàu. Điều đó đã thôi thúc tôi đến Việt Nam", người đàn ông nói, ngậm ngùi ra về sau khi được lực lượng chức năng giải thích các quy định.
Cặp đôi Patrick và Laura là hai trong số nhiều khách quốc tế bày tỏ tiếc nuối khi Hà Nội quyết định đóng cửa xóm cà phê đường tàu.
Kai, 27 tuổi, đến từ Malaysia, cùng 3 người bạn bất lực check-in từ hàng rào barie. Cô nói, để chuẩn bị cho lần đầu du lịch Hà Nội, đã lên mạng tìm kiếm những điểm hút khách, được gợi ý về con xóm nhỏ chạy dọc đường ray tàu hỏa.
"Nhưng khi đến nơi, công an chặn chúng tôi lại, cảnh báo nguy hiểm", Kai chia sẻ.
Nhóm của Marie Martinez (30 tuổi, quốc tịch Pháp) cũng bị chặn lại ngay trước hàng rào barie. Cô nhớ lại giây phút háo hức khi xem những vlog trải nghiệm trên mạng xã hội. Khung cảnh đoàn tàu chạy qua khu dân cư trong khi du khách hai bên vừa ngắm tàu vừa uống cà phê, là điều mà quê hương cô không có.
"Sau hai năm dịch Covid-19, du lịch khởi sắc trở lại, đóng cửa cà phê đường tàu lúc này thực sự là điều đáng tiếc, nhưng tôi nghĩ sẽ đảm bảo an toàn cho người dân và du khách", Marie chia sẻ.
Từ ngày 15/9/2022, cơ quan chức năng lập rào chắn, chốt chặn hai đầu lối vào xóm cà phê đường tàu nằm trên đường Trần Phú và Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm), sau văn bản yêu cầu "xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu" của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Tuy nhiên, mỗi ngày, hàng trăm du khách trong và ngoài nước, vẫn tìm đến điểm du lịch này.
"Cao điểm cuối tuần, 200 - 300 du khách đổ xô đến, thậm chí có người đợi 3 - 4 tiếng, chỉ để trông thấy đoàn tàu đi qua xóm nhỏ", chị Nguyễn Thị Dung, một trong những người đầu tiên mở quán cà phê cạnh đường tàu, nói.
Chị từng tiếp nhiều đoàn khách quốc tế thời điểm trước lệnh cấm. Họ cho hay, ngay khi đáp xuống sân bay Nội Bài, câu đầu tiên nói với hướng dẫn viên là: "Chúng tôi muốn đến xóm cà phê đường tàu!". Cũng có người sẵn sàng chi nhiều tiền, bay nửa vòng trái đất, chỉ để chiêm ngưỡng tàu hỏa chạy qua khu vực dân sinh.
Một du khách khác trong một tuần lưu trú ở Hà Nội, đã 4 lần tìm đến xóm cà phê đường tàu.
Khi chị Dung bày tỏ thắc mắc, người này giải thích: "Tôi cảm thấy xóm cà phê đường tàu gói gọn những điều tôi tìm kiếm ở Hà Nội, bao gồm lịch sử, văn hóa và con người. Thay vì đến nhiều nơi và góp nhặt từng trải nghiệm, thì tôi đến đây, cảm nhận mọi thứ, hơn hết là không có sự nhàm chán".
Dù bị cấm, du khách vẫn tìm đến xóm cà phê đường tàu
Gia đình chị Dung sinh sống tại xóm cà phê đường tàu từ năm 1976. Dãy nhà cấp 4 vốn là khu tập thể được Tổng cục Đường sắt xây dựng năm 1956, nằm trên đoạn đường sắt dài khoảng 2km, nối giữa các con phố Lê Duẩn, Trần Phú, Cửa Đông và Phùng Hưng, thuộc địa bàn hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.
Những năm 90, xóm đường tàu được miêu tả là khu vực tệ nạn xã hội, kim tiêm vứt khắp nơi, trẻ con không được phép ra ngoài buổi tối. Đến năm 2014, "sự kiện" cả xóm được lên báo nước ngoài, đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của một khu phố nhếch nhác và nhem nhuốc.
Tờ Dailymail của Anh đăng tải loạt ảnh vô cùng ấn tượng về những tuyến đường sắt chạy ngang qua khu dân cư đông đúc, biến xóm đường tàu tưởng như đã bị lãng quên, bỗng trở nên nổi tiếng. Khu tập thể bắt đầu "lột xác" từ đó.
Năm 2017-2018, những quán cà phê nằm rải rác dọc phố đường tàu xuất hiện trên các mặt báo trong nước lập tức "gây bão" mạng xã hội.
"Chúng tôi không hề tốn một đồng quảng cáo. Du khách tự tìm đến trải nghiệm và quảng bá hộ chúng tôi, giúp con xóm nhỏ trở thành một sản phẩm du lịch độc, lạ", chị Dung chia sẻ.
Để đảm bảo an toàn, các hộ dân mở quán cà phê cạnh đường tàu cho biết đã kẻ đường vạch giới hạn an toàn, gắn biển cảnh báo về các khu vực nguy hiểm, lắp chuông cảnh báo, hoặc chỉ kinh doanh trong một thời gian nhất định khi tàu chạy qua.
"Tôi nghĩ xóm cà phê đường tàu có một sức hút nhất định. Du khách đều công nhận đây là điểm du lịch sống động, không nhàm chán, hoặc có thể gắn với lịch sử của người dân đường tàu từ thời kỳ chiến tranh, nên cũng rất hân hoan khi thấy đoàn tàu chạy qua", chị Dung nói.
Anh Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Hanoi Backstreet Tours chuyên kinh doanh dịch vụ xe jeep và xe máy tham quan Hà Nội, cho hay du khách quốc tế đồng loạt chọn xóm cà phê đường tàu là một trong những điểm đến thú vị.
Theo anh, du lịch Hà Nội nhiều năm qua "đi theo lối mòn" với những điểm tham quan truyền thống không đọng lại nhiều cảm xúc với du khách. Họ khao khát trải nghiệm mới lạ, đôi khi là mạo hiểm, chỉ từ một bức ảnh check-in tại những địa điểm mà đất nước họ không có.
Tuy nhiên, khi Hà Nội quyết định "dẹp" xóm cà phê đường tàu, phản ứng của tất cả du khách Hanoi Backstreet Tours đều là tiếc nuối.
Mỗi ngày, công ty anh Thơ nhận chở khách tham quan phố cổ Hà Nội. Mỗi lần ghé qua phố đường tàu, họ chỉ đứng từ bên ngoài, nhìn vào trong với ánh mắt "thèm thuồng".
"Mặc dù biết bị cấm, nhưng họ vẫn muốn biết con xóm trông như thế nào", anh nói.
Theo anh, một sản phẩm du lịch thành công, là đánh trúng tâm lý và cảm giác của khách hàng. Xóm cà phê đường tàu nhiều năm qua đã làm được điều này, du khách thích thú đến mức tự chụp ảnh, tự quảng cáo miễn phí, thôi thúc những người bạn của mình ngay lập tức đặt vé máy bay đến Việt Nam.
"Tôi nghĩ du lịch Việt Nam nên phát huy những sản phẩm mộc mạc, giản dị và có giá trị lịch sử như thế này", anh nói.
Tương lai nào cho xóm cà phê đường tàu?
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel phân tích, tâm lý chung của du khách là mong muốn trải nghiệm những điều khác lạ, độc đáo mà nước họ không có, thì xóm cà phê đường tàu đáp ứng được các tiêu chí đó.
Theo ông Đạt, Hà Nội cũng có nhiều điểm du lịch đáng mong đợi, được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng khi đi vào hoạt động lại không thu hút khách du lịch.
"Du khách đang mong chờ những điểm du lịch mới mẻ và đột phá", ông nói.
Dù xóm cà phê đường tàu nhận về nhiều quan điểm trái chiều, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn đường sắt, nhưng dưới góc độ du lịch, ông Đạt cho rằng đây là điểm đến có sức hấp dẫn lớn, đặc biệt với du khách phương Tây.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch nhận định, không phải ngẫu nhiên phố đường tàu lại có sức hút đặc biệt đối với khách nước ngoài. Việc đóng cửa con phố này, theo ông Lương, là "một điều đáng tiếc".
"Hiện nay hệ thống đường sắt tồn tại trong nội đô như ở Việt Nam còn rất ít. Phố đường tàu vì thế có thể xem là một sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt. Không chỉ khác biệt ở Hà Nội, mà khách du lịch cũng khó tìm thấy một trải nghiệm tương tự ở đất nước họ hay các điểm đến họ từng đi qua. Cái gì càng độc lạ thì càng hấp dẫn du khách", ông Lương nói.
Trên thực tế, Hà Nội không phải là thành phố duy nhất khai thác du lịch từ đường tàu. Trước đó, hai xóm đường tàu nổi tiếng khắp châu Á, được nhiều người biết đến, là chợ đường tàu Maekong ở Thái Lan và làng cổ Thập Phần trên đảo Đài Loan. Chính quyền địa phương tại đây đã phát triển du lịch quanh tuyến phố, trở thành điểm đến ưa thích của du khách.
"Tôi nghĩ xóm cà phê đường tàu nên được phát triển hơn là ngăn cấm, thí điểm giải pháp vừa an toàn vừa có sản phẩm phục vụ du lịch", ông Nguyễn Tiến Đạt bày tỏ.
Vị này đề xuất, các quán cà phê cần bố trí khách ngồi trong nhà hoặc trên sân thượng để du khách thư giãn chờ đợi tàu đi qua. Để đảm bảo an toàn, ngành đường sắt nên lắp thêm chuông cảnh báo hoặc đèn cảnh báo tại các quán để tạo hiệu ứng hấp dẫn khi chờ tàu.
"Không chỉ biến đây thành điểm check-in thu hút khách mà còn có thể tính đến việc xây dựng, quảng bá các tour du lịch bằng tàu hỏa như Hà Nội - Lào Cai. Các chuyến tàu có thể được thiết kế bắt mắt, thêm nhiều dịch vụ hấp dẫn bằng tàu hỏa, thu hút du khách trải nghiệm, tạo doanh thu cho ngành đường sắt", ông Đạt nói.
PGS.TS Phạm Trung Lương kiến nghị xây dựng đề án quy hoạch cụ thể, các chủ quán ký cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn. Du khách muốn đến tham quan cũng cần cam kết tuân thủ các quy định an toàn, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nặng.
Chị Nguyễn Thị Dung cũng đề xuất tìm phương án để giữ lại con xóm nhỏ mang nhiều đặc trưng của Hà Nội xưa. Chị đại diện cho 33 hộ dân tại xóm cà phê đường tàu, từng 5 lần gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, bày tỏ mong muốn tìm phương án tối ưu, giúp đỡ người dân địa phương.
"Đến lúc mà khu vực này không còn đủ sức hút, khách du lịch không còn tìm đến, thì chúng tôi chấp nhận di dời, chuyển đến các khu tái định cư để an toàn hơn và tìm kiếm công việc mới.
Nhưng ngày nào vẫn còn sống tại xóm đường tàu, chúng tôi vẫn phải mưu sinh", người phụ nữ nói.
Ngày 12/9/2022, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các điểm cà phê đường tàu, ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Từ ngày 15/9/2022, lực lượng chức năng gồm công an phường, dân phòng, tổ dân phố tới lập rào chắn, chốt chặn hai đầu vào phố cà phê đường tàu nằm trên đường Trần Phú và Phùng Hưng thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền người dân và du khách tạm thời không tới phố cà phê đường tàu trong thời gian đợi biện pháp giải quyết giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải.