Khách Tây thích thú học đan thúng chai với lão nông U80
(Dân trí) - Gần 6 năm nay, ngôi nhà lá ven sông của ông Nguyễn Đình Bán (79 tuổi) trở thành điểm học nghề đan thúng chai của các vị khách Tây, đây cũng là cách mà ông Bán giữ nghề truyền thống.
Vào một buổi trưa cuối tháng 4, căn nhà nhỏ ven sông của ông Nguyễn Đình Bán tại thôn Đông Hà, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, Quảng Nam đã chào đón 11 vị khách đến từ Pháp. Họ đến để trải nghiệm nghề truyền thống địa phương dưới sự hướng dẫn của ông Bán.
Ông Bán, với nụ cười hiền hậu, nhanh chóng làm quen với các vị khách, những người sẽ trở thành "học trò" của ông. Dù không thông thạo ngoại ngữ, ông vẫn có thể hướng dẫn các bước thực hành thông qua động tác tay và sự hỗ trợ của hướng dẫn viên.
Khách Tây thích thú đến Hội An học đan tre, chẻ lạt (Video: Ngô Linh).
Ông Andie, một du khách Pháp, đã thử sức với việc đan thúng chai và cảm thấy hạnh phúc khi hoàn thành công việc.
"Thật sự không hề dễ dàng, nhưng tôi đã làm được. Tôi rất yêu thích trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống địa phương, rất thú vị và bổ ích", ông Andie chia sẻ.

Ngôi nhà của ông Bán là điểm trình diễn đan thúng chai duy nhất tại xã Cẩm Kim. Mỗi ngày, ông đón tiếp 3-5 nhóm khách, chủ yếu là người Âu - Mỹ.
Sau mỗi lần hướng dẫn, du khách thường tặng ông một ít chi phí cảm ơn, trung bình thu nhập mỗi ngày của ông chỉ 100.000-150.000 đồng. Đôi khi, ông còn bán được những món quà lưu niệm thủ công như rổ, mủng nhỏ.

"Được tiếp đón những vị du khách yêu thích nghề thủ công truyền thống là một điều thật tuyệt vời. Tôi như được chia sẻ niềm đam mê và góp phần gìn giữ văn hóa làng nghề", ông Bán chia sẻ.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng thúng tre đã giảm, nghề truyền thống cũng dần mai một. Tuy nhiên, ông Bán vẫn quyết tâm duy trì nghề đan tre của làng, mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo.

Ông Huỳnh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim, cho biết, những người thợ thủ công như ông Nguyễn Đình Bán đang góp phần giữ gìn và quảng bá nghề truyền thống của địa phương đến du khách.
Xã Cẩm Kim được định hướng phát triển với các mô hình làng sinh thái, văn hóa, du lịch đặc trưng, đặc biệt là du lịch làng nghề.