Khách Tây sang Việt Nam học cày ruộng, trồng rau để về nước lên núi sống

Tuệ Minh

(Dân trí) - Chàng trai người New Zealand tự cầm cày, hào hứng xới xáo từng luống đất sau khi được chị Mẩy Kim (sống ở Sapa, Lào Cai) hướng dẫn tỉ mỉ.

Mua tour đi cày ruộng, học trồng rau

Ngày 8/12, gia đình chị Mẩy Kim (sống ở thị xã Sapa, Lào Cai) đón một nam du khách 30 tuổi (người New Zealand) đến trải nghiệm cuộc sống của bà con vùng cao trong 4 ngày 3 đêm. 

Chàng trai đặt mua tour thông qua một công ty du lịch với giá 5 triệu đồng (bao gồm cả tiền ăn uống, chi phí di chuyển).

Khách Tây trải nghiệm cày ruộng, trồng rau ở Lào Cai (Nguồn: Mẩy Kim Dao Đỏ).

Lần đầu tiên đặt chân đến Tả Phìn, chàng trai 30 tuổi ấn tượng trước khung cảnh đẹp như tranh vẽ với những dãy núi trập trùng trải dài trước mặt và các căn nhà nhỏ nằm bên sườn đồi. 

Được biết, sau chuyến đi này, anh chàng dự định sẽ chuyển lên núi sinh sống, tự trồng rau, làm ruộng và may vá... ở New Zealand. Cho nên, anh muốn tới Tả Phìn học hỏi cách làm nông nghiệp. 

Sau màn chào hỏi và làm quen, chị Mẩy Kim hướng dẫn nam du khách cách in sáp ong tạo hoa văn trên vải và nhuộm chàm. Ngày thứ hai, chàng trai đến từ New Zealand theo chân chị Mẩy Kim lên rừng hái các loại lá đem về làm nước tắm, trải nghiệm bữa ăn trên núi giữa không gian xanh mát. 

Tuy nhiên, trải nghiệm khiến chàng trai hào hứng nhất là tự cầm cày xới xáo từng luống đất trên ruộng bậc thang. Nhìn qua, công việc này tưởng đơn giản nhưng mọi chuyện không dễ dàng như tưởng tượng. Tuy nhiên, cảm giác lần đầu được làm nông dân thực thụ để lại cho anh chàng người New Zealand sự thích thú. 

Chị Mẩy Kim cho biết, đây là vị khách nước ngoài đầu tiên trải nghiệm cày ruộng bằng trâu tại gia đình chị. Trước đây, người phụ nữ này từng mong muốn mở tour đón khách quốc tế về nhà, học cách cày ruộng nhưng đến nay mới thực hiện được. 

"Chàng trai thích trải nghiệm cày ruộng bằng trâu, vì nông nghiệp ở New Zealand đã được cơ giới hóa, sử dụng máy móc. Nhiều người chưa bao giờ nhìn thấy hình ảnh dùng trâu để cày ruộng ngoài đời thực", chị Mẩy Kim bày tỏ.

Khách Tây sang Việt Nam học cày ruộng, trồng rau để về nước lên núi sống - 1

Khách Tây khá khó khăn khi điều chỉnh cày trong khi trâu đi phía trước (Ảnh: Cắt từ clip).

Trong đoạn video được chia sẻ trên mạng, trước khi đi vài luống cày, nam du khách được chị Mẩy Kim hướng dẫn một cách tỉ mỉ. 

Chàng trai cao 1,8m tỏ ra lóng ngóng khi thực hiện những đường cày đầu tiên. Hai tay anh bám chặt vào cán, chiếc cày nghiêng ngả, có lúc chệch khỏi luống đất khiến nam du khách loạng choạng. Sau vài lần, anh cũng hoàn thành trải nghiệm với sự hướng dẫn của một nông dân ở địa phương. 

Kết thúc công việc cày ruộng, chàng trai người New Zealand được tự tay lên luống, chuẩn bị đất để trồng rau. Sau khi nhìn mẹ của chị Mẩy Kim hướng dẫn thao tác trồng 1-2 lần, anh chàng có thể cầm từng cây non, đặt vào hố rồi cẩn thận vun đất xung quanh gốc.

Khách Tây thích hái rau, không khí sum vầy

Đây chỉ là một trong rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến cùng ăn, ở với gia đình chị Mẩy Kim trong một năm qua. Hình thức du lịch trải nghiệm ngày càng hút nhóm đối tượng khách này vì sự mới lạ, độc đáo và thú vị.

Trong suốt 4 ngày, chàng trai 30 tuổi luôn trầm trồ với những nét văn hóa độc đáo của người dân ở Tả Phìn. Kết thúc chuyến đi, anh đánh giá đã khám phá và học hỏi được nhiều điều mới mẻ. 

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Mẩy Kim cho biết, sau khi học xong cấp 3, chị làm hướng dẫn viên ở Sapa. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người phụ nữ này về nhà tại Tả Phìn để trồng rau, chăm sóc các cây trồng. 

Năm 2023, chị bắt đầu xây dựng kênh TikTok để bán các sản phẩm địa phương. Đó cũng là lúc gia đình bắt đầu đón khách Tây đến trải nghiệm.

Khách Tây sang Việt Nam học cày ruộng, trồng rau để về nước lên núi sống - 2

Chị Mẩy Kim (thứ tư từ trái sang) cùng nhóm du khách đến từ nước ngoài trải nghiệm hái rau (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Khách Tây rất thích các hoạt động như trồng rau, đi hái lá, ăn cơm giữa rừng... Trong đó, họ thích nhất được tự vào vườn nhà, hái rau sau đó đem về chế biến món ăn. Nhiều du khách sống ở thành phố, nhà không có đất để trồng trọt, nên những mảnh vườn rộng rãi với các loại rau xanh tươi là hình ảnh rất ấn tượng", chị Mẩy Kim chia sẻ.

Gia đình chị Mẩy Kim có 3 thế hệ cùng chung sống trong căn nhà gỗ có 2 gian, làm bằng gỗ được truyền lại từ đời ông bà. Không khí cả nhà quây quần bên mâm cơm và bếp lửa sau một ngày làm việc trở thành nét đặc biệt, tạo nên sức hấp dẫn với du khách nước ngoài.

"Ở phương Tây, đa số du khách sống tự lập sau 18 tuổi. Bố mẹ ít sống cùng con cái nên không có những khung cảnh sum vầy, vui vẻ như vậy", chị Mẩy Kim cho biết.

Khách Tây sang Việt Nam học cày ruộng, trồng rau để về nước lên núi sống - 3

Khách Tây thích lên núi hái lá về làm nước tắm, khám phá thiên nhiên (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhờ vốn tiếng Anh tốt, khả năng giao tiếp lưu loát, chị Mẩy Kim giúp gia đình nói chuyện một cách dễ dàng với du khách đến từ nhiều nước trên thế giới. 

"Lúc còn làm việc ở Sapa, tôi đã tham gia một lớp học tiếng Anh trong 3 tháng. Nhờ học hỏi thêm mỗi ngày, tôi có thể phát âm, nói chuyện một cách trôi chảy. Tiếng Anh giúp tôi thuận lợi hơn khi giới thiệu với khách về phong tục, cuộc sống, văn hóa của người dân địa phương", chị Mẩy Kim bày tỏ. 

Hiện, gia đình chị Mẩy Kim cung cấp các dịch vụ lưu trú và trải nghiệm với nhiều mức giá khác nhau, tùy theo nhu cầu của khách. Cụ thể, với tour 1 ngày, khách được lên núi hái lá, ăn cơm trưa, tắm lá của người Dao có mức giá khoảng 900.000 đồng/người.

Với tour 2 ngày 1 đêm, khách được trải nghiệm cung đường đi bộ ra thị xã, tắm lá người Dao, vẽ sáp ong và nhuộm vải, ăn uống... mức giá khoảng 2,2 triệu đồng/khách. Ngoài ra, khách nước ngoài có thể chọn các tour 3-4 ngày để thêm nhiều trải nghiệm hơn.