Nhiều khách Tây "dạt" sang Việt Nam vừa du lịch, vừa xin tiền
(Dân trí) - Làn sóng khách Tây xuất hiện trên đường phố để xin tiền du lịch đã xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tháng 3/2023, mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh của nam du khách đứng trên vỉa hè TP Đà Nẵng, cầm biển xin tiền.
Nội dung tấm biển được thể hiện bằng tiếng Việt, nêu rõ mục đích: "Tôi đang du lịch mà không có tiền, xin vui lòng hỗ trợ chuyến đi của tôi".
Hình ảnh trên đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Cách đó 2 tháng, nhóm du khách từ Nga cũng đã từng xin người dân địa phương hỗ trợ chuyến du lịch của họ. Ba người đàn ông đã cầm biển đứng trước chợ Dương Đông, TP Phú Quốc kêu gọi ủng hộ tiếp tục hành trình, bởi họ "không có tiền".
Cũng tại Phú Quốc, một cô gái Nga đã từng ngồi thiền "bất động" để xin tiền từ những người xung quanh.
Trào lưu "begpacker" được định nghĩa là du lịch bụi bằng cách ăn xin, xuất hiện phổ biến tại các quốc gia châu Á khoảng 10 năm trở lại. Thông thường, những người này sẽ cầm biển xin tiền, đứng ở các đường phố, vỉa hè khu trung tâm. Họ mong muốn được thực hiện chuyến đi với "tiền quyên góp" từ những người xa lạ.
Tại Việt Nam, hiện tượng này cũng đã xuất hiện tại các thành phố du lịch như TPHCM, Đà Nẵng, Phú Quốc… Tuy nhiên, nhiều người Việt đã bày tỏ phản ứng gay gắt, cho rằng trào lưu "xấu xí" này cần được xóa bỏ, không nên giúp đỡ, cổ súy cho những khách du lịch lười lao động.
Anh Dy Khoa, người sáng tạo nội dung trong lĩnh vực du lịch, cho biết ở các quốc gia châu Á mà anh ghé qua, những người khó khăn thường không ăn xin mà họ trở thành người bán hàng. Họ có thể bán vé số, bán gói khăn giấy nhỏ... Hình ảnh này sẽ "dễ chịu" hơn khách ăn xin.
Bản thân anh cũng không chấp nhận cũng như không đồng tình với những người du lịch nhưng hóa thân thành người ăn xin, ngửa tay xin tiền người bản địa hoặc những du khách khác.
"Đây là một việc rất phản cảm. Tôi nghĩ chúng ta cần bài trừ hiện tượng này để trả du lịch về đúng ý nghĩa của nó, là góp phần gia tăng kinh tế cho địa phương sở tại. Hình ảnh du khách ăn xin sẽ tác động ít nhiều đến con mắt của các du khách khác.
Bởi thông qua đó, du khách có quyền đánh giá trình độ quản lý của quốc gia, mức độ an toàn cho người dân và khách du lịch. Thậm chí, nếu bị người ăn xin chèo kéo thì du khách có thể hoảng sợ bởi các hành vi đụng chạm cơ thể khi chưa được phép", anh nói.
Dy Khoa cho biết thêm trong những tình huống bí bách như cạn tiền dự phòng, một số backpacker đã trở thành những nghệ sĩ đường phố. Họ biểu diễn ca múa, vẽ tranh, bán ảnh... để có thêm bữa ăn trước khi về nước.
Anh chia sẻ: "Tôi ủng hộ việc trở thành một người làm việc phi văn phòng cố định, bạn có thể làm ở bất kỳ đâu nhưng vẫn được một công ty trả lương hằng tháng. Như vậy sẽ đảm bảo nguồn thu cũng tạo thêm cho bạn cơ hội khám phá vùng đất mới".
Huỳnh Kiên, tác giả quyển sách du lịch Nhắm mắt đi liều, từng có 1 năm xuyên Việt bằng hình thức "vừa đi, vừa kiếm tiền". Cô chọn cách viết bài cho các website về sản phẩm du lịch.
Đồng thời, Huỳnh Kiên cũng xin chỗ ở miễn phí trong các homestay bằng việc phụ quét dọn, nấu ăn, đón khách, làm tour guide… Thậm chí, Kiên còn dùng kỹ năng viết bài, làm video của mình để quảng bá cho homestay mà mình lưu trú.
Kiên kể, cô có anh bạn người Pháp. Chàng trai này đã đi du lịch 6 tháng ở châu Á bằng cách làm việc rất chăm chỉ. Theo cô, việc xin kinh phí sẽ "dễ chịu" hơn nếu bạn là KOLs và mang lại giá trị cho đối phương.
Tuy nhiên, nếu bạn là người "vô danh", việc xin tài trợ là một hành động thiếu thực tế.
"Mình cảm thấy trường hợp này rất phản cảm. Thú thật mỗi khi có người bạn làm như vậy, mình lại thấy hình ảnh của những người xê dịch xấu xí đi rất nhiều", Kiên nói.