Khách Tây "khóc thét" với trải nghiệm ngập, nước tràn vào nhà ở TPHCM
(Dân trí) - Mưa ngập quá nửa chân, nước tràn vào nhà kéo theo chất thải, động vật, bao bì khiến khách Tây chỉ biết... "khóc thét".
Nước ngập nhà 80cm
"Đó là trải nghiệm đáng nhớ", Jefferson Saunders (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) nói với phóng viên khi chia sẻ về trận ngập nước ngay khi ông mới đặt chân đến TPHCM.
Theo đó, tháng 7/20216, Jefferson chuyển từ Bắc Âu đến Việt Nam để tận hưởng kỳ nghỉ hưu. Ông sống trong căn nhà với khu vườn lớn ở quận Bình Thạnh. Sang tháng 8, khi cuộc sống chỉ vừa mới được sắp xếp, một trận ngập nghiêm trọng đã khiến người đàn ông sửng sốt.
"Nước vào rất nhiều nhà, tràn qua tường, sàn và cống rãnh… Tôi ngạc nhiên khi với người Việt Nam nó là bình thường, còn với tôi nó thấy không tốt, không lành mạnh. Nhanh chóng nước đã dâng đến 80cm trong nhà kéo theo cả mưa, nước thải và rác nhựa…", Jefferson nhớ lại.
Trong năm đó, Jefferson đã đối diện với tình trạng nước mưa ngập nhà nhiều lần và điều tồi tệ nhất là ông chứng kiến chuột, bọ cạp sau khi nước rút đi. "Ít nhất một mình tôi đã giết vô số con chuột và 318 con bò cạp khác nhau", John kể.
Tương tự, anh DingWei (30 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) cũng từng có kỉ niệm khó quên khi chứng kiến trận ngập lụt tại thành phố lớn. "Hệ thống thoát nước ở Đài Loan không như vậy, tôi sống ở quận 7 và được xem là may mắn vì nước rút nhanh", DingWei nói.
Buổi tối khi tan ca, mưa như trút và nước nhanh chóng đã ngập đến nửa chân của DingWei. Anh chàng đành chạy vào một nhà hàng cao và đợi đến khi nước hết mới dám trở về nhà.
"Mặc dù di chuyển bằng ô tô nhưng tôi vẫn sợ hãi. Rất nhiều xe chết máy, đứng một chỗ giữa đường, nước thì dơ và khả năng mang bệnh nữa. Sau này, khi mưa lớn tôi luôn hỏi trước rằng khu vực cần đến có bị ngập không thì mới quyết định đi", DingWei chia sẻ thêm.
Daniel Vickers (27 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) từng muốn rời khỏi thành phố chỉ sau một mùa mưa. Hôm đó, anh vẫn giữ thói quen đạp xe đạp đến trung tâm tiếng Anh của mình. Chỉ một thời gian sau, mưa lớn và ngập diễn ra khắp nơi.
"Tôi đã bị ốm vì ướt, phải trì hoãn công việc và quần áo đã hư hỏng, nhất là những đôi giày thể thao", Daniel Vickers kể.
Học cách sống chung với ngập
Ông Đỗ Tấn Long (Phó giám đốc Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, thời gian qua, TPHCM có 15 tuyến đường trục chính và nhiều tuyến hẻm (đặc biệt ở khu vực vùng ven) bị ngập khi xảy ra mưa lớn. Trong đó có 3 khu vực thường xuyên bị ngập do mưa tập trung ở quận Gò Vấp và TP Thủ Đức.
Tuy nhiên, thực tế, tình trạng này liên tục diễn ra từ khoảng cuối tháng 5 khi Nam Bộ bắt đầu mùa mưa. Các điểm ngập ở nhiều trục đường chính cho tới ngõ hẻm khắp các quận, huyện kể cả đường mới làm và đường có bề mặt thấp đã ảnh hưởng tới giao thông và sinh hoạt người dân.
Sau nhiều lần nước ngập nhà, ông Jefferson đã chấp nhận sống chung với nó. Ông thường xuyên nhặt rác xung quanh nhà và dọn dẹp cống rãnh. Ngay sau đó, chính hình ảnh của ông khách Tây đã khiến hàng xóm cùng ra tay giúp đỡ.
"Chúng tôi đã thực hiện nhiều cải tiến nhà cửa và khu vực để tránh ngập, trong đó có một chiếc xe chở rác đã được đặt trước khu phố để người dân tự thu gom mỗi ngày", Jefferson nói.
Đối với ông, mỗi quốc gia đều có vấn đề của riêng nó, sự ngập đem lại phiền toái thế nhưng TPHCM có vô vàn điều thú vị khiến ông muốn gắn bó trọn đời.
"Tôi đã quen với các thói hư tật xấu, đổi lại tôi thích thời tiết, người dân và đặc biệt đồ ăn Việt Nam. Trong thời gian ở đây, tôi có vô số bạn bè tốt và cuộc sống cũng trở nên khỏe khoắn và mạnh mẽ hơn", ông Jefferson chia sẻ.
Hơn năm nữa anh DingWei sẽ quay trở về Đài Loan. Người đàn ông ngoại quốc cho biết, những trải nghiệm của anh tại TPHCM sẽ mãi mãi là bài học quý giá. Bởi lẽ, tính cách và sự hạnh phúc khi tận hưởng và hài lòng cuộc sống, đó là điều anh ít thấy được ở quê của bản thân.
"Mặc dù tương lai tôi không biết có quay lại TPHCM không nhưng khoảng thời gian ở Việt Nam đã dạy tôi cách hài lòng với mọi thứ trong đời", DingWei cười nói thêm.
Vừa qua, Sở Xây dựng TPHCM vừa trình UBND TPHCM báo cáo về kết quả thực hiện dự án xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) cho hệ thống thoát nước TPHCM.
Ngoài ra, thành phố đã và đang đầu tư nhiều công trình để giải quyết ngập, gồm dự án giải quyết ngập do triều TPHCM (có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1), đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng.