Khách hủy tour, đòi cọc: Doanh nghiệp du lịch chật vật xoay sở
(Dân trí) - Khách đồng loạt hủy tour, đòi bồi hoàn 100% chi phí mua tour trong khi các đối tác cung ứng dịch vụ lại không đồng ý bảo lưu, hoàn tiền khiến các doanh nghiệp lữ hành chật vật xoay sở.
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tiếp tục bồi thêm cú giáng khiến ngành du lịch lao đao. Khách đồng loạt hủy tour không chỉ đến các khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa phát hiện ca lây nhiễm.
Thống kê của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có trên 35.000 chương trình du lịch của các doanh nghiệp du lịch lớn bị huỷ.
Ở Hà Nội, từ ngày 28 đến 30/7 đã có trên 7.500 lượt khách của 22 đơn vị lữ hành hủy tour. Tại Lâm Đồng, Huế, Nha Trang... số lượng phòng bị hủy cũng liên tục tăng mạnh.
Trao đổi với Dân trí, ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Fivestar Travel cũng chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn chung, ngành du lịch rất cần sự thông cảm của du khách và các ngành.
“Nhiều khách gọi điện xin hủy tour nhưng lại đòi bồi hoàn 100% tiền chi phí tour. Điều này là rất khó cho doanh nghiệp", ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, để có giá tour ưu đãi, phía lữ hành thường phải đặt cọc, thanh toán tiền với đối tác từ nhiều tháng.
Việc hoàn hủy tour lâu nay vẫn được thực hiện theo quy định. Các đối tác hàng không, khách sạn hầu hết đều chỉ chấp nhận cho đổi ngày, bảo lưu tiền cọc chứ không hoàn tiền.
Trong trường hợp khách hủy dịch vụ, doanh nghiệp lữ hành thậm chí phải bỏ tiền túi ra đóng phạt cho các đối tác do những cam kết đã ký trong hợp đồng.
Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, thiệt hại lần này đối với du lịch sẽ còn ảnh hưởng nặng nề hơn so với đợt dịch hồi đầu năm 2020. Sự suy yếu và đứt gãy của chuỗi giá trị du lịch sẽ mang lại tác động tiêu cực, làm giảm sức chiến đấu, phục hồi của ngành trong giai đoạn hậu Covid-19.
Trong cuộc họp với Sở Du lịch Hà Nội bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại, ông Nguyễn Công Hoan Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours cho rằng, việc các công ty lữ hành cần làm lúc này là xử lý yêu cầu hoãn, hủy tour của du khách.
Theo ông Hoan, ngành Du lịch đã phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" thì nên chăng lúc này có thêm cuộc phát động người Việt Nam chung tay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, có thể bảo lưu tour sang thời điểm thích hợp hoặc đổi bằng vourcher du lịch đến địa điểm khác...
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Hanoitourist cũng cho rằng thời điểm này là lúc cần có sự vào cuộc của các bên, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành, hàng không và hệ thống cung cấp dịch vụ (lưu trú, điểm đến, nhà hàng, khu vui chơi giải trí…) để cùng giải quyết khủng hoảng.
Theo ông Thắng, các hãng hàng không cần có chính sách cụ thể trong việc hoàn, hoãn chuyến đối với các khách đoàn; các cơ sở lưu trú và điểm đến cũng nên mở rộng thời hạn để những khách không đi được du lịch thời gian này có thể thực hiện vào thời điểm khác với giá trị tiền không đổi.
Trong bối cảnh khó khăn chung, Tổng cục Du lịch mới đây cũng đề nghị các địa phương duy trì hoạt động thường xuyên đường dây nóng kết nối với doanh nghiệp và khách du lịch. Đồng thời, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và du khách.
Cụ thể: vận động, tuyên truyền khách du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn trong việc hoãn, hủy, đổi chương trình du lịch đã ký kết do tác động của dịch bệnh.
Trong khi đó, để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch Hà Nội cũng đề nghị Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố tạo điều kiện, vận động các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn cùng chia sẻ thiệt hại thông qua các hình thức: Bảo lưu tour, bảo lưu dịch vụ đến thời điểm thích hợp, không phạt hủy hoặc có thể hoàn lại chi phí cho các doanh nghiệp lữ hành.