Khách hủy tour hàng loạt, doanh nghiệp du lịch ở thế “khó chồng khó”

Hà Trang

(Dân trí) - Khách hủy tour đồng loạt đã khiến cho các doanh nghiệp du lịch chưa kịp phục hồi bởi dịch COVID-19 lần 1 lại tiếp tục chịu cú "sốc" nặng nề khi dịch bùng phát trở lại lần 2.

Chưa kịp hồi phục sau cú “sốc” dịch bệnh hồi đầu năm 2020, diễn biến phức tạp của đợt dịch lần 2 tiếp tục bồi thêm cú giáng khiến ngành du lịch Việt Nam ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp lữ hành lao đao ở vào thế “khó chồng khó”.

Khảo sát của Pv Dân trí cho thấy, hiện không có khách đăng ký tour mới, lượng khách hủy hoãn các tour nội địa của các công ty lữ hành trong tháng 8, 9, 10 chiếm khoảng 80-90%.

Khách hủy tour hàng loạt, doanh nghiệp du lịch ở thế “khó chồng khó” - 1

Ảnh hưởng của dịch bệnh lượng khách hủy hoãn các tour nội địa của các công ty lữ hành trong tháng 8, 9, 10 chiếm khoảng 80-90%. Ảnh minh họa: Phú Thọ

Cụ thể, Vietravel thất thu dự kiến hơn 88 tỷ đồng khi bị hơn 20.000 khách huỷ tour, công ty Saigontourist hơn 10.000 khách; các doanh nghiệp khác như BenThanh Tourist, Lữ hành Fiditour, Hòa Bình, TST, Đất Việt... từ 5.000 khách trở lên.

Theo đánh giá của các đơn vị, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại đối với du lịch trong đợt dịch thứ 2 này có thể nghiêm trọng và tác động nặng nề hơn so với đợt dịch lần đầu tiên.

Chia sẻ với Pv Dân trí, ông Trần Trung Kiên, Phó trưởng phòng Tiếp thị và truyền thông Công ty Vietrantour cho biết, tính đến ngày 31/8 tổng số khách hủy hoãn các tour của đơn vị này là 2.975 khách, trong đó bao gồm cả các tour đi Đà Nẵng và các điểm lân cận: Tuy Hòa (Phú Yên), Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc...

“Du lịch nội địa mới đang trên đà phục hồi, các doanh nghiệp lữ hành chủ yếu triển khai các tour kích cầu nội địa với giá rẻ, ưu đãi, hầu như chưa có lợi nhuận.

Các chi phí tồn đọng của đợt dịch lần 1 còn chưa giải quyết và thu hồi xong thì các doanh nghiệp lữ hành lại tiếp tục hứng chịu thiệt hại và tồn đọng của đợt 2. Điều này đã khiến du lịch khó càng thêm khó ”, ông Kiên nói.

Khách hủy tour hàng loạt, doanh nghiệp du lịch ở thế “khó chồng khó” - 2

Các chi phí tồn đọng của đợt dịch lần 1 còn chưa giải quyết và thu hồi xong thì các doanh nghiệp lữ hành lại tiếp tục hứng chịu thiệt hại và tồn đọng của đợt 2.

Ông Ngô Văn Huy, Trưởng phòng Du lịch nội địa chi nhánh Hà Nội của Saigontourist cũng thừa nhận, dịch bệnh bùng phát trở lại đã khiến du khách lo lắng, không còn tâm trạng đi du lịch ngay cả các điểm đến không nằm trong vùng dịch.

Lượng khách hủy tour từ 27/7 đến ngày 1/9/2020 chỉ tính riêng chi nhánh Hà Nội của đơn vị này là 13 nghìn lượt khách, chiếm khoảng 95%.

Không chỉ chịu thiệt hại nặng nề do khách hủy tour hàng loạt, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp lữ hành lúc này là xoay sở tìm các phương án bồi hoàn tiền tour.

Thông thường chi phí các dịch vụ trong chương trình tour được các đơn vị lữ hành thanh toán 100% cho các đối tác như: hàng không, nhà hàng, khách sạn... từ trước đó nhiều tháng.

Khi khách hàng hủy tour, các hãng hàng không chỉ có chính sách bảo lưu tiền đặt cọc, đồng ý cho đổi vé bay vào thời gian khác trong thời hạn tối đa là 180 ngày mà không hoàn lại tiền cho đơn vị lữ hành.

Ngược lại, khách hàng lại chỉ mong muốn công ty du lịch hoàn trả 100% tiền phí mua tour. 

“Trong bối cảnh khó khăn chung, chúng tôi mong khách hàng có thể thông cảm, cùng doanh nghiệp tháo gỡ để đưa ra phương án tốt nhất. Hiện chúng tôi vẫn đang nỗ lực đàm phán để thương lượng với các đối tác cung ứng dịch vụ”, ông Huy nói.

Giám đốc một công ty du lịch ở Hà Nội cho rằng, sau đợt dịch thứ 2 sẽ có nhiều doanh nghiệp không thể gắng gượng nổi.

Khách hủy tour hàng loạt, doanh nghiệp du lịch ở thế “khó chồng khó” - 3

Chỉ trong 3 tháng từ tháng 2 đến tháng 4/2020, ngành du lịch Việt Nam thiệt hại khoảng 6-7 tỷ USD.

Các doanh nghiệp du lịch mới chỉ gượng dậy trong vòng 1 tháng trở lại đây, chưa kịp vui vì du lịch nội địa khởi sắc thì lại phải chịu cảnh “ngồi chơi, xơi nước”. Doanh thu âm liên tục nhiều tháng chắc chắn sẽ khiến các đơn vị lữ hành cạn kiệt vốn, khó xoay sở trong thời gian dài.

“Trong bối cảnh này, tôi cho rằng các hãng hàng không cần có chính sách cụ thể trong việc hoàn hoặc hoãn chuyến đối với các khách đoàn. Các cơ sở lưu trú và điểm đến cũng nên linh động chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp bằng việc cho phép lùi thời gian hoặc bồi hoàn lại tiền. Du lịch hiện nay rất cần sự chia sẻ, chung tay của các ngành”, vị đại diện này nói.

Thông tin từ Tổng cục Du lịch cũng cho thấy, việc xuất hiện một số trường hợp mắc COVID-19 tại Đà Nẵng và một số địa phương đã gây ra xu hướng hủy tour, không đặt tour mới và xu hướng này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tổng cục Du lịch cũng cho biết, trong bối cảnh này, du khách cần bình tĩnh trước các thông tin liên quan đến Covid-19.

Cần hợp tác, phối hợp với các đơn vị lữ hành để có phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế. Đối với các trường hợp hủy và bồi hoàn tour cho khách thì đều đã có các quy định cụ thể, du khách cần đọc kỹ hợp đồng trước khi mua tour để đảm bảo quyền lợi.

Trước đó, chỉ trong 3 tháng từ tháng 2 đến tháng 4/2020, ngành du lịch Việt Nam thiệt hại khoảng 6-7 tỷ USD. Sự đóng băng và đổ vỡ của chuỗi giá trị du lịch được cho là sẽ tác động không chỉ trong ngành du lịch mà còn tới cả những ngành, lĩnh vực liên quan khác như thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, vận tải...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm