Hồ Gươm đẹp mơ màng trong sắc đông
(Dân trí) - Những ngày này Hà Nội hiện ra với nét đẹp riêng rất đặc trưng. Những hàng cây ven hồ vẫn co mình trong cái rét thấu xương, chuyển mùa nhưng bên trong các thân cây là nguồn nhựa sống đang chuyển động, dâng trào chuẩn bị đón một mùa xuân mới!
Ngắm nhìn từ trên cao, quang cảnh hồ giống như bức tranh đầy màu sắc và nên thơ với những rặng liễu rủ soi bóng nước hồ biếc xanh màu ngọc lấp lánh ánh nắng vàng. Những con đường chạy quanh hồ còn là nơi để nhân dân thủ đô lui tới xem pháo hoa vào những ngày hội lớn trong năm của dân tộc. Mùa đông khi cây bàng đã trút đến chiếc lá cuối cùng để lại những cành cây khẳng khiu trong bầu trời u tối cũng tạo nên cái vẻ riêng của mùa Đông Hà Nội.
Hồ Gươm với Tháp Rùa soi bóng một màu nước xanh trải qua năm tháng như tấm gương phẳng lặng in bóng mây trời. Cầu Thê Húc uốn cong cong một màu đỏ như vẽ vào không gian chiều một nét môi dịu dàng của người thiếu nữ Hà Thành. Ngày cuối năm, nơi đây với những sắc màu lãng mạn ven hồ đang như càng như quyến rũ hơn cho bao vị khách du lịch nước ngoài đến tham quan.
Bên bờ nam hồ Hoàn Kiếm, phía đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay còn lại một ngọn tháp mang vẻ rêu phong cổ kính như đồng hành với thời gian. Ngọn tháp ấy có tên là tháp Hoà Phong. Tháp Hoà Phong mang vẻ đẹp và tâm hồn của người Hà Nội đã hơn 200 năm, mà ít người biết về ngọn nguồn của ngôi tháp gạch này và lịch sử gắn liền với một ngôi chùa bên bờ hồ Hoàn Kiếm mà nay đã vang bóng một thời.
Hồ Hoàn kiếm còn được gọi là hồ Gươm, người Hà Nội thường gọi nó bằng cái tên ngắn gọn là Bờ hồ.Vừa ngắn gọn vừa thân thiện. Nói đến Bờ Hồ người Hà Nội hiểu ngay đó là hồ Gươm.
Tháp Rùa - một ngọn tháp nhỏ nằm trên gò đảo giữa Hồ Gươm, lui về phía nam hồ. Ngọn tháp kết hợp phong cách kiến trúc Châu Âu với hàng cửa cuốn gô-tích hai tầng dưới nhưng phần mái cong giữ quy thức kiến trúc Việt Nam.
Với sự giao thoa giữa hai lối kiến trúc là kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa tạo nên nét đẹp độc đáo, riêng biệt của Tháp Rùa. Điều quan trọng nhất là Tháp Rùa đã, đang tồn tại không chỉ là hiện hữu mà còn là tinh thần của người dân Hà Nội.
Tương truyền, năm 1886 thấy huyệt đất trên gò Rùa hợp phong thủy ông Nguyễn Ngọc Kim, tục gọi là Bá hộ Kim xuất tiền xây tháp trên gò với ý định chôn hài cốt của cha vào đó. Việc không thành nhưng ngọn tháp ba tầng vẫn được hoàn tất. Vì vậy nên ban đầu Tháp này có tên là Tháp Bá hộ Kim. Vì vị trí đẹp giữa hồ, tháp biến thành thắng tích Hà Nội.
Bờ Hồ bây giờ bói cũng không ra những anh quay kem cối, những chị bán kem dạo, những anh cất vó cá, những lũ trẻ câu tôm, trèo sấu quanh Hồ. Và bờ Hồ đã mất hẳn cái cảnh chen lấn nhau để mua cho được gói quà Tết, góc này túm tụm phe tem phiếu, góc kia vật vờ kẻ cắp móc túi, góc nọ túm tụm xóc đĩa ăn tiền, và không ít trẻ con, người tàn tật lê gót hành khất trong điệu hát rong thê lương…
Bờ Hồ nay lung linh khác lạ. Khi hoàng hôn xuống và thành phố lên đèn, Bờ Hồ càng lung linh hơn với muôn vàn sắc màu. Đó là hoa đèn tỏa sáng với muôn vàn ánh sáng và màu sắc khác nhau.Tháp Rùa cổ cùng năm tháng với những nét cổ kính rêu phong bao đời vẫn đứng trầm ngâm soi bóng nước hồ.
Ngày cuối năm, cây ven Hồ những ngày giáp Tết vẫn co mình trong cái rét thấu xương, chuyển mùa. Nhưng bên trong của các thân cây là nguồn nhựa sống đang chuyển động, để đến sang xuân, đúng vào dịp tháng Hai, trên các cành cây đồng loạt nẩy lộc trắng nõn như như muôn vạn ngọn nến cùng thắp sáng.
Bờ Hồ đã bắt đầu lên đèn. Trên các tuyến phố, xe máy mườm nượp nối đuôi nhau chạy theo đường một chiều, vội vã, giống như dòng sông xe máy. Mặt người hớn hở đổ về các ngả, chở theo những niềm vui cuộc sống hoà bình.
Chỉ còn thời khắc ngắn nữa là sang năm mới. Người Hà Nội cảm nhận rất rõ khi đồng hồ Bưu điện Thành phố đang nhích sang thời khắc đầu tiên của năm mới.
Minh Phan