Gần Hà Nội có một bãi biển đẹp yên bình không phải ai cũng biết
(Dân trí) - Không chỉ được hòa mình vào cuộc sống của ngư dân làng chài ven biển, ngắm nhìn những cánh đồng muối trắng tinh mà du khách còn được tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của dấu tích ngôi nhà thờ vươn ra ngoài tầm sóng. Đó chính là những trải nghiệm đáng trân trọng khi đến thăm miền biển Xương Điền (xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp đến, nếu bạn chưa lựa chọn được điểm du lịch hấp dẫn thì bãi biển Xương Điền hay còn được người dân địa phương gọi là biển nhà thờ đổ (xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) là một lựa chọn đáng để cân nhắc. Điểm thu hút du khách chính là một nhà thờ nay chỉ còn lại phế tích nằm ngay trên bãi biển. Công trình này cách thành phố Nam Định khoảng 40km, cách Hà Nội khoảng 150 km. Rất thuận lợi cho những chuyến đi chơi trong ngày hoặc những ngày nghỉ lễ ngắn.
Đến với miền Xương Điền, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng ngôi nhà thờ đổ có cái tên “Trái tim” đẹp lạ lùng nằm ngay bên bờ biển. Nhà thờ đổ hay còn có tên gọi khác là “Nhà thờ Trái Tim” được xây dựng năm 1943, do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Vào năm 1996, biển bắt đầu xâm lấn vào đất liền dài hơn 1km. Sự xâm lấn đó khiến ngôi làng dài theo bãi biển Xương Điền bị biến mất. Các công trình kiến trúc lớn trên biển như nhà thờ đã bị sóng đánh đổ. Độ cao của nhà thờ trái tim giúp giữ lại vòm gác chuông cùng khung xương bên ngoài với nền móng hòa lẫn cát biển.
Giữa bao la trời đất, bên bờ biển xanh mượt, nhà thờ đổ mang dáng vẻ hoang sơ, cô độc nhưng lại rất độc đáo mà không nơi nào có.
Để trải nghiệm trọn vẹn cuộc sống, nếp sinh hoạt của người dân nơi đây, bạn có thể vào làng chài xin ở nhờ. Trong bình minh tỏa rạng, cùng thức dậy hòa mình vào tiếng hò kéo lưới của người dân đánh cá; ngồi trên nền móng nhà thờ cổ ngắm bình minh, hoàng hôn; xem người dân đi kheo đánh bắt; nghe tiếng sóng vỗ bờ và cảm nhận vị mặn mòi của cánh đồng muối xa xa…
Biển nhà thờ đổ có sức hút lạ kỳ với nhiều du khách. Nhiều cặp đôi cô dâu chú rể vượt hàng trăm cây số đến đây chụp ảnh cưới, lưu giữ kỷ niệm hạnh phúc của đời người. Nhiều nhiếp ảnh gia chờ đợi để ghi vào ống kính khoảnh khắc ánh nắng bình minh tỏa sáng trên vòm mái gác chuông giữa bầu trời cô quạnh hay chờ đợi giây phút ánh hoàng hôn le lói trên những bức tường chẳng biết ngày nào sẽ bị vùi lấp trên biển. Tất cả như tìm về vẻ đẹp hoang sơ của biển cả, vẻ đẹp huyền bí còn sót lại sau gió mưa bão táp, nét bí ẩn của sự tàn phai và cả sự mong manh của cảnh sắc nơi đây.
Hiện nay, để ngăn chặn sự xâm thực của biển cả, chính quyền địa phương đã tiến hành xây dựng đê bao xung quanh. Phía trong làng, những ngôi nhà thờ mới đã được dựng lên. Nhà thờ đổ dần trở thành nhân chứng của đời sống sinh hoạt hằng ngày của làng chài bên bờ biển; chứng kiến những cuộc ra khơi của ngư dân, đón họ trở về trong niềm vui thu hoạch.
Trong tương lai, có thể sẽ không còn được trông thấy ngôi nhà thờ đổ bên bờ biển, sẽ không thấy “Trái tim” trên cồn cát nữa. Nhưng vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc nhà thờ cổ, vẻ đẹp bình dị của miền biển Xương Điền sẽ còn lại mãi trong lòng người dân cũng như du khách.
Đến nhà thờ đổ, từ Hà Nội đi theo quốc lộ 1A, rẽ vào quốc lộ 21 về thành phố Nam Định, qua cầu Đò Quan, hỏi đường về huyện Hải Hậu. Từ trung tâm huyện (thị trấn Yên Định) hỏi đường ra nhà thờ đổ (cách 8 km).
Nếu đi ô tô khách: đón xe ở bến Giáp Bát, đi chuyến Hà Nội - Nam Định - Thị trấn Cồn (hoặc Thịnh Long). Xuống xe rồi bắt xe ôm vào khu biển Nhà thờ đổ cách 3km.
Ngọc Thanh Thanh