Du lịch làng nghề truyền thống Quảng Nam: "Mảnh đất màu mỡ"
(Dân trí) - Quảng Nam có tiếng là vùng đất "sản vật muôn màu", đa dạng hệ sinh thái, đa dạng văn hóa, làng nghề… Đó là nền tảng, lợi thế, giá trị khác biệt, là cơ hội phát triển nếu khai thác đúng tiềm năng.
Chiều 22/3, tại làng mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), diễn ra hội thảo khởi nghiệp du lịch làng nghề xứ Quảng. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào đón năm du lịch quốc gia 2022 được tổ chức tại Quảng Nam.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, du lịch xanh, bền vững đang là mục tiêu phát triển của du lịch Quảng Nam, và du lịch làng nghề truyền thống, khởi nghiệp du lịch sáng tạo trên nền tảng giá trị bản địa đang rất được quan tâm, là "mảnh đất màu mỡ" để khởi nghiệp nếu biết khai thác đúng lợi thế, tiềm năng.
Ông Bửu cũng thông tin thêm, ngày 30/4, sẽ có một Techfest (ngày hội khởi nghiệp sáng tạo) làng nghề tổ chức đầu tiên tại TP Hội An, Quảng Nam, hội tụ nhiều làng nghề trên cả nước.
Quảng Nam cũng sẽ đăng cai Techfest 2022 vào trung tuần tháng 6 với trên 200 gian hàng, là kênh chia sẻ nhiều thông tin về sản xuất và đầu ra… Quảng Nam cũng đã ký kết nhiều tập đoàn lớn, nếu tất cả các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu (sẽ có sự trợ giúp của tỉnh Quảng Nam) sẽ được vào các siêu thị của các đơn vị trên.
"Chúng ta nên có những sản phẩm chủ lực của tỉnh Quảng Nam, và mỗi huyện nên có mỗi sản phẩm chủ lực của riêng mình. Và đừng quên chuyển đổi số, tỉnh Quảng Nam năm 2022 lấy chuyển đổi số là đột phá, thương mại điện tử kết hợp thương mại truyền thống.
Cần quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc mà liên kết được toàn quốc và quốc tế, các đơn vị khởi nghiệp cần quan tâm, theo chuẩn mực quốc gia. Hy vọng trong tương lai gần, huyện Thăng Bình sẽ có lễ hội mắm Cửa Khe để thúc đẩy du lịch làng nghề cộng đồng tại đây", ông Hồ Quang Bửu nói.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam quan niệm, một nền du lịch bền vững thì người dân phải được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương, vừa đảm bảo tính bền vững, tránh lạm dụng hoặc khai thác quá mức về công nghệ, trí tuệ nhân tạo, tránh phát triển ồ ạt dẫn đến phá hoại môi trường thiên nhiên, thiếu bền vững. Có như thế mới tạo được giá trị đích thực của sự sáng tạo trong du lịch.
Hơn thế nữa, du lịch nông nghiệp, nông thôn thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân địa phương và du khách, mở ra cơ hội để người dân Quảng Nam tự nâng cao năng lực và kỹ năng.
Ông Phan Xuân Thanh cũng cho rằng, khởi nghiệp nông nghiệp, ngay từ đầu phải bỏ tâm lý học đòi, bắt chước, bê nguyên xi... Mỗi làng nghề truyền thống sẽ có giá trị bản địa riêng biệt, chúng ta cần khai thác sao cho hợp lý, du lịch làng nghề phải gắn với cộng đồng, cộng đồng cùng chung tay làm du lịch.
Ông Trần Xuân Mới - chuyên gia tư vấn cấp cao về du lịch Founder, CEO ATM & ASIA cho hay, để phát triển du lịch làng nghề truyền thống, phải làm nổi bật giá trị truyền thống làng nghề, xây dựng bản đồ du lịch gắn kết các làng nghề thông qua một câu chuyện xuyên suốt… Trong thời đại hiện nay, du lịch gắn với công nghệ số đang là xu thế tất yếu, góp phần đưa sản phẩm làng nghề đến gần hơn với khách hàng.
Du lịch làng nghề truyền thống là lợi thế mạnh của Quảng Nam, trước đây là du lịch nông nghiệp, du lịch xanh, nay khai thác thêm du lịch làng nghề truyền thống là chiến lược đúng đắn, tạo thêm cơ hội khởi nghiệp du lịch gắn với giá trị bản địa, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, nâng cao đời sống các hộ kinh doanh làng nghề.
Bà Lê Thị Thanh Nga, người dân địa phương thành công với mô hình khởi nghiệp Lò gạch cũ Farmstay chia sẻ, du lịch nông nghiệp, du lịch bản địa, du lịch làng nghề, những mảng xanh này thì ở thành phố khó mà có được, nên đây chính là cơ hội để vùng nông thôn phát triển nếu biết khai thác đúng tầm.
Cũng theo bà Nga, những mảng du lịch này ở Việt Nam, đặc biệt tại Quảng Nam đang rất mở rộng, mảng xanh đã có nhưng điểm đến vẫn chưa, là điều rất đáng tiếc. Bên cạnh đó cũng cần định hướng của các cơ quan ban ngành để du lịch làng nghề đi được xa hơn, bền vững hơn.