Du lịch ĐBSCL khó phát triển khi hạ tầng giao thông là điểm nghẽn
(Dân trí) - Nhiều đại biểu, chuyên gia du lịch cho rằng, điểm nghẽn hiện nay trong câu chuyện liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM với vùng ĐBSCL là hạ tầng giao thông.
Ngày 20/5, tại Đồng Tháp đã diễn ra Diễn đàn Kết nối du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, lần thứ 2 - năm 2022.
Du lịch nông nghiệp… trở thành "món ăn lạ"
Liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả trong thời gian qua. Trong bối cảnh ngành du lịch cả nước đang phục hồi và đạt được những kết quả ấn tượng gần đây, các địa phương đã nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thông qua các liên kết hợp tác đã có nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng được hình thành, các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP cũng đã được tổ chức, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và TPHCM.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM, du lịch nông nghiệp sinh thái đang dần trở thành một "món ăn lạ", bên cạnh các loại hình du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, khám phá… Việc khai thác tiềm năng sẵn có là nông nghiệp để kết hợp với phát triển du lịch là định hướng phát triển du lịch nông nghiệp của thành phố trong thời gian tới.
Tuy nhiên, về thực trạng khai thác chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp giữa TPHCM và khu vực ĐBSCL, PGS. TS Ngô Thị Phương Lan - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM cho rằng còn nhiều điểm nghẽn, nhất là về hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghệ.
Ngoài ra, vai trò "nhạc trưởng" chưa được nổi lên khiến cho các liên kết mờ nhạt, lỏng lẻo, đôi khi rơi vào tình trạng "cha chung không ai khóc".
Cũng theo bà Lan, để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp này, cần nâng cấp chuỗi giá trị du lịch phải hướng đến tính bền vững, cần được xây dựng trên quan điểm liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong hoạt động du lịch cụ thể qua sự tham gia của Nhà nước, nhà khoa học, tư vấn, doanh nghiệp và cộng đồng.
Trong đó, Nhà nước giữ vai trò quản lý, tạo điều kiện môi trường cho hoạt động liên kết chuỗi diễn ra hiệu quả. Doanh nghiệp du lịch là người đứng đầu chuỗi để chủ động liên kết các sản phẩm nông nghiệp vào trong sản phẩm.
Nhiều điểm nghẽn trong phát triển du lịch
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia nhìn nhận, việc liên kết phát du lịch giữa TPHCM và khu vực ĐBSCL vẫn chưa tạo được sự kỳ vọng như mong muốn. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không nhằm tạo sự kết nối thuận tiện, kết nối lan tỏa, tạo điều kiện tiếp cận sản phẩm du lịch vẫn là một trong những điểm nghẽn của du lịch ĐBSCL.
Các đại biểu còn nhận định, công tác xúc tiến quảng bá du lịch của vùng cũng chưa phát huy hiệu quả do thiếu kinh nghiệm trong tổ chức. Việc thực hiện đánh giá hiệu quả của các chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến chưa được thực hiện.
Bên cạnh đó, các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch chưa mạnh dạn khẳng định vai trò đồng hành và hỗ trợ trong quá trình phát triển; chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch vùng ĐBSCL và TPHCM chưa được chú trọng đúng mức, còn bị động, chưa phát triển xứng tầm với sản phẩm du lịch trong vùng.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay là nguồn nhân lực, nhất là sau đại dịch Covid-19, vấn đề nhân lực du lịch càng trở nên khó khăn.
Viện nghiên cứu Phát triển du lịch còn cho rằng, thiếu chính sách khuyến khích có tác dụng làm "đòn bẩy" thúc đẩy sự phát triển vùng. Ngoài ra còn thiếu sự liên kết, hợp tác trong quản lý và hoạt động du lịch giữa các tỉnh thành trong vùng với TPHCM và các tỉnh thành trong cả nước.
Theo đơn vị này, để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng ĐBSCL với TPHCM cần tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá tiềm năng đặc trưng của vùng, của từng tỉnh về văn hóa, lịch sử, con người… Trên cơ sở đó xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng tỉnh và của cả vùng ĐBSCL.
Cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch ở các điểm đến, cơ sở lưu trú, nhà hàng, nơi mua sắm…; Tăng cường liên kết hợp tác xây dựng các tour tuyến du lịch hấp dẫn; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với biến đổi khí hậu; Đầu tư phát triển nhanh hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho ngành du lịch cấp Vùng; Chủ động và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch đặc thù cho từng địa phương và vùng ĐBSCL…
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong bối cảnh ngành du lịch cả nước đang nỗ lực phục hồi và đạt được một số kết quả khá ấn tượng trong thời gian gần đây, các địa phương đã nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19; từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như chủ trương của Chính phủ đã đề ra. Bên cạnh đó, sự quan tâm và vào cuộc mạnh mẽ của đầu tàu TPHCM đối với sự liên kết vùng... là điều kiện rất thuận lợi để TPHCM và 13 tỉnh trong Vùng cùng đi, cùng phát triển trong thời gian tới.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, để du lịch ĐBSCL phát triển, các địa phương tập trung nâng cấp và phát triển hạ tầng giao thông; Đồng thời, có chính sách kích cầu đầu tư, trong đó có hỗ trợ lãi vay cho các cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng và nguồn cung ổn định.
Ngoài ra, phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho từng địa phương cũng như thương hiệu chung của cả vùng.