Thanh Hóa:

Du lịch bắt đầu khởi sắc sau thời gian dài "đóng băng"

Bình Minh

(Dân trí) - Sau thời gian dài "đóng băng", thị trường du lịch tại Thanh Hóa đang có những tín hiệu khởi sắc. Trong 15 ngày mở cửa du lịch trở lại, Thanh Hóa đón khoảng 100 nghìn lượt khách.

Với lợi thế hội tụ đủ tiềm năng của các vùng kinh tế là miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển, Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc. Cùng với Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Thanh Hóa có di tích cấp quốc gia đặc biệt là: Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn và thắng tích Sầm Sơn…

Thanh Hóa có 102km đường bờ biển với nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa…, cùng nhiều thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như: Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Pù Luông, Suối cá thần Cẩm Lương… Thanh Hóa có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước.

Du lịch bắt đầu khởi sắc sau thời gian dài đóng băng - 1

Khu du lịch Pù luông cũng là nơi có số lượng du khách đến tham quan đông sau ngày mở cửa du lịch trở lại.

Tuy nhiên, dưới sự càn quét của đại dịch Covid-19, du lịch là một trong những lĩnh vực "đứng mũi chịu sào", khi nhiều thời điểm hoạt động du lịch hoàn toàn "đóng băng".

Chỉ tính riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021) bùng phát vào đúng cao điểm của du lịch biển, đã khiến hơn 600 cơ sở lưu trú tại các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc hạn chế hoạt động. Còn tính trong 2 năm 2020 và 2021, lượng khách trong các cơ sở lưu trú giảm 39%, doanh thu giảm 38,7%, công suất sử dụng phòng chỉ đạt từ 25 - 30%/năm.

Ước thiệt hại về doanh thu phòng nghỉ khoảng gần 5 nghìn tỷ đồng, doanh thu ăn uống du lịch khoảng trên 6 nghìn tỷ đồng và doanh thu từ mua sắm, vui chơi, giải trí khoảng trên 3 nghìn tỷ đồng.

Để ứng phó với dịch bệnh, nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch buộc phải giảm tần suất, quy mô hoặc tạm dừng và dừng tổ chức; nhiều thời điểm, các khu, điểm du lịch phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng... Điều này dẫn đến lượng khách du lịch giảm sâu, khách quốc tế hầu như không có.

Du lịch bắt đầu khởi sắc sau thời gian dài đóng băng - 2

Từ khi mở cửa du lịch trở lại, có hơn 7 nghìn lượt khách đến suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy).

Theo thống kê của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Thanh Hóa, năm 2021, địa phương này ước đón 3,4 triệu lượt khách, giảm 53,7% so với năm 2020 và đạt 28,6% kế hoạch năm; tổng thu du lịch ước đạt 4.840 tỷ đồng, giảm 53,4% so với năm 2020 và đạt 21,2% kế hoạch.

Con số trên cho thấy thị trường du lịch tại Thanh Hóa gần như "chạm đáy", thế nhưng mới đây, sau thời gian mở cửa du lịch trở lại, bước đầu đã có những tín hiệu khởi sắc.

Ngay sau sự kiện kích cầu du lịch và đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa, cùng với nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức trên địa bàn, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa có dấu hiệu tăng trở lại.

Trong 15 ngày (từ 15-29/3), lượng khách đến Thanh Hóa ước đạt khoảng 100 nghìn lượt khách, trong đó, khách tại các cơ sở lưu trú du lịch chiếm khoảng 26%. Lượng khách đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh này tăng trung bình khoảng 23%, tại các cơ sở lưu trú du lịch tăng khoảng 18% so với các tháng trước.

Đối với khách quốc tế có khoảng 1.200 lượt (chủ yếu tập trung ở khu du lịch Pù Luông và FLC Sầm Sơn).

Các khu điểm du lịch có lượng khách đến tương đối đông trong thời gian qua như: Thành Nhà Hồ với 18.000 lượt khách; Khu du lịch Suối cá Cẩm Lương đón hơn 7.000 lượt khách; Khu du lịch Sầm Sơn với hơn 31.000 lượt khách…

Theo bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa, kết quả trên cho thấy những tín hiệu khả quan, tin tưởng về sự phục hồi của ngành du lịch Thanh Hóa.

"Với mục tiêu phấn đấu đón trên 10 triệu lượt khách, ngành du lịch Thanh Hóa đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như xây dựng và duy trì điểm đến an toàn, hấp dẫn; đẩy mạnh phát triển sản phẩm kích cầu du lịch; tập trung mọi nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, thực hiện đa dạng các chương trình kích cầu, thu hút khách du lịch; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội nhằm lan tỏa thương hiệu du lịch thông qua bộ nhận diện mới với khẩu hiệu "Du lịch Thanh Hóa - hương sắc bốn mùa".

Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng các lớp bồi dưỡng, đảm bảo nguồn nhân lực thiếu hụt sau dịch Covid-19", Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm.