Xôn xao clip học sinh mang gạo đến trường "gạ" bán cho thầy giáo
(Dân trí) - Trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh học sinh tiểu học "gạ" bán gạo cho thầy giáo để có tiền mua bút chì đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ngày 9/4, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai xác nhận về câu chuyện một học sinh tiểu học mang gạo đến bán cho thầy giáo tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện.
Cụ thể, theo clip ghi lại, khi thấy học sinh mang gạo đến bán, thầy giáo hỏi "đưa gạo làm gì", "gạo ở đâu ra" và "bán cho thầy à". Em học sinh gật đầu và trả lời "gạo bà cho", bán để "mua bút chì".

Học sinh "gạ" thầy giáo mua gạo thu hút được sự quan tâm của dư luận (Ảnh cắt từ clip).
Xúc động trước hành động của cậu học trò, thầy giáo đã tặng học sinh cây bút chì và đề nghị em đưa gạo về cho bà nấu ăn.
Clip này sau khi được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Qua xác minh, cậu học trò trong clip tên Nay Thất, học lớp 2 tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh. Người quay clip và trò chuyện với em là thầy giáo Đồng Xuân Huyền, giáo viên thể dục của nhà trường.
Thầy Đồng Xuân Huyền cho biết, khoảng 2 tuần trước, trong giờ ra chơi, thầy ngồi ở ghế đá trong sân để giám sát học sinh. Khi thấy em Thất cầm túi gạo đến hỏi để bán, thầy đã cầm điện thoại quay lại.
"Người J'rai ở vùng này thường có thói quen mang đồ vật, tài sản trong nhà để đổi lấy những thứ mình còn thiếu. Em học sinh này chắc cũng nghĩ như vậy nên mới mang gạo đến đổi lấy bút chì", thầy Huyền giải thích.

Cũng theo thầy Huyền, em Nay Thất có hoàn cảnh rất khó khăn khi cha mẹ đã ly hôn. Mẹ đi làm công nhân ngoài tỉnh nên em ở với bà ngoại. Tuy vậy, em luôn đi học đều đặn và tiếp thu nhanh hơn các bạn khác.
Ông Phan Công Đương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện, cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 60% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, thầy cô giáo tại các trường cũng thường xuyên huy động nguồn xã hội hóa để tặng quần áo, sách vở cho học sinh vùng khó. Nhờ vậy, học sinh có điều kiện đầy đủ để tới trường và tỉ lệ bỏ học cũng giảm hẳn.