Sự thật về tàn tích quần thể bí ẩn bị nhấn chìm hàng chục mét dưới nước

Huy Hoàng

(Dân trí) - Quần thể kiến trúc này đã gây nhiều tranh cãi trong suốt hơn 30 năm qua vì giới chuyên gia chưa thể lý giải được cách nó hình thành dưới đáy biển Thái Bình Dương ra sao.

Nằm bên dưới vùng nước ven biển ở đảo Yonaguni của Nhật Bản là quần thể kiến trúc bằng đá bí ẩn. Nơi này còn được gọi là "thành phố Atlantis Nhật Bản", bị chìm sâu khoảng 30m dưới nước.

Nó được cho là hình thành vào cuối Kỷ Băng hà cách đây chừng 10.000 năm khi khu vực này còn trồi lên trên mặt biển. Hình dáng và cấu trúc đối xứng kỳ lạ đã dẫn tới những cuộc tranh luận gay gắt về nguồn gốc thực sự của nó.

Sự thật về tàn tích quần thể bí ẩn bị nhấn chìm hàng chục mét dưới nước - 1
Nơi này được phát hiện khoảng 35 năm trước (Ảnh: BBC).

"Khi lần đầu tiên phát hiện ra và chiêm ngưỡng tận mắt, tôi bị dựng tóc gáy, có cảm giác nổi da gà. Mọi thứ thật sự choáng ngợp", ông Kihachiro Aratake, người tìm thấy quần thể Yonaguni, cho biết.

Khoảng 35 năm trước, khi đang tìm kiếm địa điểm lặn, ông Aratake tình cờ phát hiện ra nơi này. Ngay lúc đó, ông biết rằng, nơi này sẽ trở thành "báu vật quý giá" của đảo Yonaguni.

Sau khi được ông Aratake phát hiện ra, nhóm các chuyên gia do Giáo sư Masaaki Kimura đến từ Đại học Ryukyu dẫn đầu tiến hành nghiên cứu quần thể bằng đá bí ẩn dưới nước. Theo nhận định ban đầu, rất khó giải thích nguồn gốc quần thể là hoàn toàn tự nhiên do nhiều dấu vết cho thấy con người có tác động lên những cấu trúc này.

Tiếp đến, hai chuyên gia của Đại học Ryukyu đi cùng ông Aratake tiếp tục việc nghiên cứu. Họ chưa thể tuyên bố "thành phố Atlantis Nhật Bản" là công trình tự nhiên hay nhân tạo bởi cả hai đều có những cách lý giải riêng.

Sự thật về tàn tích quần thể bí ẩn bị nhấn chìm hàng chục mét dưới nước - 2
Quần thể Yonaguni hình thành tự nhiên hay là sản phẩm nhân tạo đến nay vẫn chưa có câu trả lời (Ảnh cắt từ clip).

Thứ khiến người ta tin rằng quần thể này do con người tạo ra là phần cầu thang xoắn ốc. Giáo sư Masaaki khẳng định, đây là "sản phẩm của người cổ đại bởi có nhiều cấu trúc nhân tạo cùng đồ gốm, công cụ bằng đá vôi là lò sưởi cổ". Trong trường hợp được tuyên bố là công trình do thiên nhiên tạo ra, là một di chỉ khảo cổ, thì các thợ lặn sẽ không được tiếp cận nơi này nữa.

Anh Kenzo Watanabe, một thợ lặn chuyên nghiệp, cũng là người muốn tìm được câu trả lời. Anh tập trung một nhóm thợ lặn lành nghề và thân thiết để cùng nhau khám phá.

Khi xuống ở độ sâu cả chục mét, anh Kenzo cho rằng, có thể đây là quần thể nhân tạo.

"Cảnh tượng bên dưới rất choáng ngợp với nhiều hình dạng đối xứng và bề mặt khác nhau. Tôi thắc mắc không hiểu nó được tạo ra thế nào. Những cấu trúc này khiến tôi liên tưởng tới các loại công cụ mà người xưa từng sử dụng", anh nhận xét.

Sự thật về tàn tích quần thể bí ẩn bị nhấn chìm hàng chục mét dưới nước - 3
Đây là địa điểm bí ẩn với nhiều trải nghiệm mới lạ với các thợ lặn (Ảnh: Daily).

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà địa chất, đa số cho rằng quần thể này nhiều khả năng là "một cấu trúc tự nhiên khác thường".

"Những khối đá trong quần thể có nhiều đường nứt dọc đan xen lẫn nhau. Có thể nói, những đường nứt là do tự nhiên tạo ra. Sóng và thủy triều làm xói mòn đá cát khiến nó có hình dạng giống như bậc thang", chuyên gia Robert Schoch đến từ Đại học Boston, nhận định.

Sự thật về tàn tích của thành phố bí ẩn bị chìm hàng chục mét dưới nước

Giáo sư Takayuki Ogata đến từ Đại học Ryukyu là người đưa ra quan điểm tương tự. "Tôi lần đầu thấy quần thể Yonaguni năm 2016. Khi đó, tôi biết cấu trúc này tương tự như trên mặt đất, nhưng chỉ khác là nó nằm dưới nước".

"Tôi đã khảo sát vài địa điểm và tiến hành các nghiên cứu thực địa, nhưng đây là lần đầu nhìn thấy một cấu trúc nối tiếp từ phần đất phía trên mặt nước. Cá nhân tôi tin rằng, cấu trúc này hình thành một cách tự nhiên", Giáo sư Takayuki nói.

Còn với các thợ lặn, đây là một địa điểm bí ẩn. Dù bằng chứng cho thấy quần thể Yonaguni có thể không phải là tàn tích của một nền văn minh thất lạc, nhưng được trải nghiệm lặn sâu ở đây vẫn rất ngoạn mục.