Đồi sim tím lịm bậc nhất xứ Nghệ: Dân teen đổ xô 'seo phì' giữa nắng
Giữa cái nắng tháng 5 chói chang, hoa sim ở rú Nhón (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) bắt đầu nở tím triền đồi. Không chỉ tô điểm thêm vẻ đẹp của một vùng quê yên bình, cây sim còn mang lại nguồn thu nhập cho người dân.
Cây sim ở rú (núi) Nhón mọc hoàn toàn tự nhiên, nằm trong dãy Lam Thành, thuộc xã Hưng Phúc (huyện Hưng Nguyên). Sim mọc thành bụi với chiều cao từ 0,8m đến 1,2m; hoa sim có màu tím nhạt xen kẽ màu trắng. Trái sim có hình thon tròn, cỡ bằng ngón tay giữa, khi chín vỏ sim màu sẫm, có vị ngọt, hơi chát. Chính vị ngọt chát này mà khiến nhiều người mê mẩn.
Về nguồn gốc của cây sim ở rú Nhón, các bậc cao niên trong xã cũng không biết có từ bao giờ. Chỉ biết rằng,từ xưa đến này, cứ đến mùa sim chín, trẻ con nơi đây lại rủ nhau lên đồi, cùng thưởng thức thứ đặc sản mà thiên nhiên ban tặng.
Vài năm trở lại đây, cây sim ở rú Nhón xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Kể từ đó, phong trào chụp ảnh ngắm hoa, hái sim bán bỗng trở nên nhộn nhịp, thu hút mọi lứa tuổi tham gia.
Cứ đến tầm tháng 6, tháng 7 hàng năm, quả sim bắt đầu chín rộ, nhờ cây sim mà nhiều hộ dân ở xã Hưng Phúc có thêm một nguồn thu nhập đáng kể nhờ việc hái sim.
Người dân ở đây cho biết, những năm trước, vào mùa sim chín chỉ lác đác vài người đi thu hái rồi bán ở các chợ. Những năm gần đây, quả sim bán chạy hơn do nhu cầu ngâm rượu sim của người dân. Ngoài ra, quả sim mua về còn để làm quà cho trẻ nhỏ, làm nước ép sim, mứt sim,... phục vụ người dân những ngày hè nóng rát ở dãy đất miền Trung nắng gió.
Mùa sim chín đúng lúc các em học sinh được nghỉ hè, nhiều em nhỏ đã lên đồi hái sim, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi ngày, một người có thể hái được từ 10-15kg, tùy thời điểm. Với mức giá dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg, thu nhập mỗi người cũng được 250.000-450.000 đồng/ngày.
Chị Nguyễn Thị Dung, người dân xã Hưng Phúc cho biết, quả sim hái được chủ yếu bán cho người dân TP. Vinh mang về ngâm rượu, làm nước ép. Đầu mùa sim mới chín rải rác, ít người đi hái sẽ có giá 30.000 đồng/kg, nhưng giảm dần xuống 25.000 đồng về cuối mùa. Leo đồi hái sim tuy có vất vả, nhưng ở nông thôn mà có thêm thu nhập thế này cũng rất vui.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ cây sim, ở nhiều địa phương trong cả nước, người dân đã coi cây sim như một giống cây công nghiệp.
Đơn cử như gia đình anh Phan Thanh Nhàn ở xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), anh Nhàn đã chặt đi 2ha rừng keo để trồng cây sim, mỗi vụ cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.
Một vài năm lại đây, đến mùa hoa sim nở, giới trẻ ở một số vùng lân cận lại từng nhóm rỉ tai rủ nhau lên rú Nhón thưởng ngoạn, ghi lại những bức hình đẹp trước 'màu tím thủy chung'.
Đứng trên rú Nhón du khách có thể chiêm ngưỡng khung cảnh thơ mộng từ cánh đồng lúa vàng óng, sông liền sông, núi liền núi thấp thoáng xa hút tầm mắt. Nhiều người vì thế rất thích lên đây chụp ảnh.
Lần đầu đến với rú Nhón, Phạm Kim Oanh, trú tại TP. Vinh cho biết: ''Thông qua mạng xã hội và được bạn bè giới thiệu, mình đã tìm đến đây chụp hình, không ngờ đồi sim lại đẹp như vậy. Mình đặc biệt thích màu tím hoa sim, bởi màu tím đẹp bình dị, lại tượng trưng cho sự chung thủy trong tình yêu nữa. Chắc chắn lúc về mình sẽ giới thiệu cho bạn bè”.
Được biết, ngoài việc dùng làm thực phẩm, quả sim còn là một vị thuốc quý. Trong Đông y, quả sim dùng để chữa các chứng huyết hư, thổ huyết, mũi chảy máu, tiểu tiện ra máu, thoát giang, tai ù, băng huyết, đới hạ,...
Thế nhưng hiện nay, quả sim ở Hưng Nguyên mới chỉ là món ăn vặt, món quà quê dân dã. Hy vọng, trong tương lai gần, nếu biết cách quảng bá, rú Nhón sẽ trở thành điểm du lịch nổi tiếng; ngoài cây lúa, người dân Hưng Nguyên lại có thêm một nguồn thu nhập ổn định từ mùa sim tím...
Một số hình ảnh về đồi hoa sim:
Theo Phạm Tâm - Quốc Huy
Vietnamnet