Độc đáo trang phục của người Mông đen ở Sa Pa

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Tri thức dân gian nghệ thuật làm trang phục của người Mông đen thị xã Sa Pa vừa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định 3433/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong đó, Tri thức dân gian nghệ thuật làm trang phục của người Mông đen thị xã Sa Pa đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng bào Mông ở thị xã Sapa của tỉnh Lào Cai, chiếm khoảng hơn 53% dân số toàn thị xã, với nhiều ngành Mông như Mông đen, Mông trắng, Mông hoa, Mông cua… Khác với trang phục của các nhóm ngành Mông khác, trang phục của người Mông đen Sa Pa không đẹp bởi sự rực rỡ sắc màu, mà từ sự tinh tế trong cách tạo hoa văn và sự khỏe khoắn trong thiết kế.

Độc đáo trang phục của người Mông đen ở Sa Pa - 1

Một thiếu nữ người Mông ở Sa Pa làm hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài (Ảnh: Toàn Vũ).

Trang phục của người Mông đen Sa Pa được làm hoàn toàn thủ công từ các nguyên liệu tự nhiên gần gũi với cuộc sống hàng ngày như: Vải được làm từ sợi lanh, được nhuộm màu tràm tự nhiên, đánh bóng bằng sáp ong…

Do làm thủ công nên để hoàn thiện một bộ trang phục mất nhiều thời gian, công đoạn: từ trồng lanh, se sợi, dệt, tạo hoa văn, nhuộm, cắt may… Những chi tiết cầu kỳ trong cách tạo hoa văn bằng sáp ong hay hoa văn nổi sau khi vải được nhuộm đều cần có những đôi bàn tay thạo nghề, khéo léo.

 Trước đâu mỗi năm, một gia đình người Mông đen chỉ làm được 1-2 bộ trang phục truyền thông, hiện nay nếu có sự hỗ trợ của máy móc thì quá trình này có thể được rút ngắn.

Mỗi bộ trang phục luôn được thêu hoa văn tỉ mỉ với nhiều họa tiết trên vai và cánh tay. Áo 3 thân, xẻ ngực nên người Mông đen thường mặc thêm yếm phía trong. Cổ yếm được thêu hoa văn và đính 1-2 đồng bạc trắng hai bên cổ. Hoa văn của áo và của yếm hài hòa với nhau, tạo nên điểm nhấn đặc biệt, tôn sự dịu dàng, tinh tế của người phụ nữ. Ngoài trang phục chính ra thì phía dưới 2 ống quần hay chiếc váy là 2 tấm vải đen (xà cạp) được quấn từng lớp ở bắp chân.

Trang phục đàn ông thì đơn giản hơn nhiều so với của phụ nữ. Vạt trước áo được may trung gian giữa 2 kiểu xẻ nách và xẻ ngực. Tuy 2 vạt trước nhưng cài khuy áo hơi lệch sang phía ngực phải, gần cửa tay cũng đáp thêm một đoạn vải màu thêu hoa văn trang trí.

Người phụ nữ Mông đen búi tóc quấn quanh đầu và trùm khăn xanh trong khi đó nam giới lại chỉ đội một chiếc mũ nhỏ màu đen đơn giản. Mũ của con trai còn được khâu thêm vào các dải vải màu hoặc các đồng tiền lủng lẳng ở phía trên để dễ phân biệt.

Bộ trang phục truyền thống người Mông đen thể hiện nhiều giá trị hơn một bộ trang phục để mặc. Trước hết, trang phục phản ánh mối quan hệ của người Mông với môi trường sống xung quanh.

Trang phục của người Mông đen đáp ứng giữ ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè, che nắng che mưa, tránh được động vật, côn trùng, cây rừng, gai rừng. Bên cạnh đó, trang phục còn phản ánh tư duy kỹ thuật thủ công của người Mông dựa trên kỹ năng dệt vải hay thiết kế các hoa văn, họa tiết trang phục.

Ngày nay, người Mông đen Sa Pa vẫn giữ thói quen làm và sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc. Đây chính là nét độc đáo và tạo thành sản phẩm du lịch của địa phương. Các du khách đặc biệt là du khách nước ngoài tỏ ra hào hứng khi được trải nghiệm quá trình dệt vải, thêu thùa… để tạo ra một bộ trang phục truyền thống.

Việc công nhận Tri thức dân gian nghệ thuật làm trang phục của người Mông Đen thị xã Sa Pa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tạo cơ hội để cộng đồng dân tộc Mông nơi đây thêm trân trọng, gìn giữ truyền thống lâu đời của dân tộc. Đồng thời, tích cực phát huy các giá trị nét văn hóa thành sản phẩm độc đáo phục vụ ngành công nghiệp không khói của địa phương.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm