Độc đáo chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ
(Dân trí) - Chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ với chủ đề “Cội nguồn và khát vọng” tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (huyện Thanh Thủy – Phú Thọ) diễn ra trong 3 ngày từ 15/11 đến 17/11 đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng du khách.
Mới đây, tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Công ty cổ phần Ao Vua phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND huyện Thanh Thủy và công ty Song Hà Media tổ chức thành công chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ với chủ đề “Cội nguồn và khát vọng”.
Chương trình có 4 hoạt động chính gồm: Trưng bày, giới thiệu tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, thờ Tam phủ, Tứ phủ; Liên hoan “Âm sắc nguồn cội” với sự tham gia của gần 200 nghệ nhân dân gian trình diễn Hát Xoan, Hát Văn, Hát Xẩm…; Hội làng Việt cổ trưng bày và giới thiệu nông sản và làng nghề gồm 50 gian hàng phong phú và nhiều trò chơi dân gian như: Đấu vật; bịt mắt bắt vịt, đẩy gậy...
Đặc biệt, điểm nhấn của chương trình là màn trình diễn văn hóa dân gian đường phố mang tên “Cội nguồn khát vọng” với sự tham gia của hơn 1000 nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên quần chúng đã tái hiện chân thực những phong tục cổ của người Việt như: Biểu diễn Lễ hội Trò Trám - Tứ dân Chi nghiệp (huyện Lâm Thao); rước voi Đào Xá (huyện Thanh Thủy), Hát Xoan Phú Thọ; rước Mẫu Âu Cơ, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (Mẫu Đệ Tam), Mẫu Địa (Mẫu Đệ Tứ)…
Chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá các tiềm năng văn hóa độc đáo của tỉnh nói chung và huyện Thanh Thủy nói riêng, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ. Đồng thời khơi dậy tình yêu quê hương và tự hào truyền thống cùng tinh thần đoàn kết, sáng tạo của nhân dân trong lao động, sản xuất.
Chương trình thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến tham dự. Đây cũng là cơ hội đưa du lịch văn hoá tâm linh và các sản đặc sản nông nghiệp tiêu biểu của Phú Thọ đến với du khách thập phương.
Ông Nguyễn Mạnh Thản – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua cho biết, đây là lần đầu tiên, Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh nói riêng và huyện Thanh Thuỷ nói chung tổ chức chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ có quy mô, tầm vóc lớn như thế.
“Tôi là một doanh nghiệp luôn có ý thức hướng về cộng đồng và thích làm từ thiện. Nhưng nếu làm từ thiện bằng hình thức trao tặng vật chất thì sẽ không bền vững bằng việc tổ chức những sự kiện như thế này để thay đổi nhận thức của bà con trong việc phát huy các thế mạnh sẵn có để tiến tới xoá đói giảm nghèo mang tính bền vững. Vì thế chúng tôi quyết định tổ chức chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh. Và đó cũng là lí do vì sao chúng tôi hạn chế tối đa việc mời các nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng ở các tỉnh khác mà tận dụng nguồn nhân lực tại địa phương. Gần 1000 nghệ nhân, diễn viên, người dân… tham gia các hoạt động trong mấy ngày diễn ra sự kiện hoàn toàn là người địa phương. Chúng tôi rất vui vì chính quyền địa phương lẫn người dân rất hào hứng và thích thú khi được tham gia sự kiện này”, ông Nguyễn Mạnh Thản cho biết.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thản, trong những ngày diễn ra chương trình, ngoài lượng khách tại địa phương thì còn có một lượng đáng kể khách du lịch từ các vùng lân cận. Điều này cho thấy, nếu biết kết hợp một cách sáng tạo giữa văn hoá và sản vật nông nghiệp sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển tiềm năng du lịch. Quan trọng hơn là người dân đã đến lúc phải ý thức về việc xã hội hoá các sản phẩm tinh thần để từ đó quảng bá các thế mạnh sẵn có, vươn tới làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.
“Từ sự kiện này, lãnh đạo địa phương cũng như người dân sẽ nhận thức rõ hơn việc có những sản phẩm tưởng như rất bình thường về văn hoá, di tích, di sản, tập tục cổ truyền và sản phẩm nông nghiệp nhưng chúng ta có thể biến thành những sản phẩm du lịch để xoá đói, giảm nghèo. Chúng tôi hy vọng, những sự kiện này sẽ diễn ra thường niên để giúp nhân dân có một sản phẩm tinh thần và vật chất độc đáo, biến những thứ từ giá trị thấp thành giá trị cao để tham gia vào việc đưa sản phẩm du lịch đi xa hơn”, ông Nguyễn Mạnh Thản nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Thản cho biết, năm sau sẽ thay đổi chủ đề để tăng tính hấp dẫn và thu hút du khách hơn. Thậm chí, sẽ tổ chức thường niên nhưng không cố định về mặt thời gian. Bên cạnh đó, ban tổ chức sẽ đẩy mạnh khâu tương tác để người dân lan toả niềm tự hào và tham gia hào hứng hơn nữa.
Đạo diễn Quang Tú cho biết, điều khó khăn thực hiện chương trình đó là thời gian làm việc với gần 1000 diễn viên quần chúng trên địa bàn huyện Thanh Thuỷ nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung khá gấp rút. Phần lớn trong số họ đều có công việc học tập, lao động chính và chỉ tham gia chương trình nghệ thuật tại địa phương và trình diễn theo những kịch bản đã được “truyền lại” nên khi tham dự vào những chương trình quy mô lớn, cần biên tập lại các tiết mục nội dung phù hợp, hiện đại theo kịch bản thì họ có những bỡ ngỡ nhất định... Đặc biệt là với chương trình trình diễn văn hóa dân gian đường phố mang tên “Cội nguồn khát vọng” trên các tuyến phố chính của huyện Thanh Thuỷ, đòi hỏi sự liền mạch trong quá trình vừa di chuyển, vừa biểu diễn sinh động, phối hợp ăn ý, chặt chẽ với các đoàn...
“Ê-kíp đạo diễn và biên đạo phải chia thành nhiều nhóm nhỏ, trực tiếp đi tới các địa phương để trao đổi, hướng dẫn và phối hợp biên tập lại những phần trình diễn của họ. Công việc đòi hỏi sự kiên trì, lòng nhiệt tình... Kết quả không phụ lòng người. Tất cả đã cùng tạo ra một chuỗi các chương trình mang đậm bản sắc riêng và nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách”, đạo diễn Quang Tú bày tỏ.