Điểm đến du lịch độc lạ, bởi vừa có thể đóng băng vừa say nắng cùng lúc
Các tour trekking trên sông băng, chiêm bái những tu viện huyền bí, ngắm hồ nước hoang sơ và các đỉnh núi tuyết phủ… tại một số điểm đến du lịch "giải pháp thay thể", hứa hẹn đem lại trải nghiệm bất ngờ với những khách du lịch đã tiêm vaccine đầy đủ.
Điểm đến du lịch sa mạc lạnh Ladakd chênh lệch nhiệt độ rất lớn, ban ngày 0 độ C, ban đêm âm 30 độ C
Với khí hậu điển hình của sa mạc lạnh và không khí loãng, Ladakh (một trong hai lãnh thổ liên bang, cùng với Jammu và Kashmir của Ấn Độ) nổi tiếng với những cảnh quan độc lạ, hệ động - thực vật độc đáo và nét đẹp văn hóa truyền thống của các cư dân vùng núi xa xôi cởi mở, mến khách.
Sa mạc lạnh thường nằm ở những khu vực có độ cao hơn và khí hậu khô hơn so với sa mạc nóng. Khí hậu đặc trưng của sa mạc lạnh là mùa Hè ngắn ngủi khô nóng, nhiệt độ chênh lệch rất lớn từ trên 0 độ C ban ngày xuống dưới âm 30 độ C ban đêm. Mùa Đông kéo dài hầu hết thời gian trong năm với khí hậu khô lạnh, nhiệt độ luôn ở mức dưới âm 40 độ C.
Do sa mạc lạnh Ladakh thường xuyên có những con gió đóng băng và ánh nắng thiêu đốt, nên nếu ai ngồi dưới nắng và đưa tay vào bóng râm, sẽ có thể bị say nắng và tê cóng cùng lúc.
Từ lâu sa mạc lạnh Ladakh đã nổi tiếng là một điểm đến du lịch cuốn hút khách du lịch ưa thích các hành trình phiêu lưu mạo hiểm độc đáo như: tham quan những Gompa (tu viện Phật giáo), nổi tiếng nhất là Hemis Gompa - một trong những tu viện đẹp nhất Ladakh, thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm; trekking (đi bộ dài ngày) xuyên rừng ngắm đồng cỏ, sông băng; các tour trải nghiệm nghi thức tôn giáo và lễ hội của người dân Ladakh...
Trong điều kiện "bình thường mới", báo CNTravller mới dây dẫn gợi ý của các chuyên gia về một số điểm đến có tính chất "giải pháp thay thế" bên cạnh những thắng cảnh đã quen thuộc thường rất đông khách du lịch, bao gồm:
Thung lũng Zanskar là nơi sinh sống của một trong những cộng đồng người gốc Tây Tạng, với 2 hồ nước hoang sơ tuyệt đẹp cùng nhiều tu viện bao quanh, song song với tour phiêu lưu Chadar Trek trên sông băng vào mùa Đông.
Hồ Tso Moriri đẹp như tranh vẽ, nằm ở độ cao 4.000m, với những ngọn núi tuyết phủ lấp lánh dưới ánh mặt trời bao quanh.
Tour Trekking đầy hưng phấn tới điểm đến "giải pháp thay thế" - thung lũng Sham, tham quan và homestay tại những thôn làng ngoạn mục, trải nghiệm "ẩm thực truyền thống biến tấu hiện đại" khác lạ.
Chiêm bái tu viện Matho và tham quan cung điện Stok - những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử…
Điểm đến du lịch Sa mạc lạnh Ladak: Người dân vẫn thực hành tục lệ "đa phu huynh đệ"
Dân Ladakh thủa ban đầu có thể là người Dards (một nhóm các dân tộc Indo-Aryan) từ khu vực ven sông Indus và sông nhánh Gilgit tới. Sau đó những người di cư từ Tây Tạng sang đã tạo ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn hóa của người Dards.
Mặc dù theo lối sống du mục truyền thống, nhưng thời nay 90% cư dân sa mạc lạnh Ladakh làm nông nghiệp dựa vào nguồn nước sông Indus.
Trong khi các Chang-pas (người chăn gia súc) vẫn rong ruổi theo những đàn dê, cừu đi tìm đồng cỏ mới. Từ loại lông xù của cừu và dê, người Ladakh se thành loại len tạo nên sản phẩm khăn choàng Kashmiri Pashmina nổi tiếng rất được người dân và khách du lịch ưa chuộng.
45% người Ladakh theo đạo Phật, số còn lại theo đạo Hồi. Họ gắn kết sâu sắc với nhau theo những phong tục truyền thống và tôn giáo của mình.
Thời trước gia đình của người Ladakh thường theo chế độ "đa phu huynh đệ" (các anh em trai có chung một vợ) để hạn chế phân chia tài sản đất đai và đàn gia súc, hạn chế sinh nhiều con, tập trung sức lao động.
Người con trai cả được thừa kế tài sản từ cha và hoàn toàn có quyền hạn đối với đất đai của tổ tiên mà không xảy ra bất kỳ tranh chấp nào. Nhưng nếu người anh cả muốn kết hôn với cô gái khác, anh ta sẽ không còn quyền hạn đó và phải tự ra ngoài kiếm sống.
Ngày nay tục lệ "đa phu huynh đệ" đã giảm sút, chỉ còn tồn tại ở vài thôn làng vùng sâu nhất trong sa mạc lạnh Ladakh.