Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Đánh thức tiềm năng du lịch huyện vùng cao Đông Bắc

Hồng Anh Hoàng Vân

(Dân trí) - Tràng Định là một huyện miền núi biên giới của tỉnh Lạng Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm lễ hội truyền thống...

Việc phát triển kinh tế gắn với du lịch đã, đang và sẽ được huyện Tràng Định tiếp tục quan tâm, chú trọng. Sự kiện là một hoạt động cụ thể của việc thực hiện dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021- 2025 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Vừa qua, UBND huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đã có buổi đối thoại nhằm tìm giải pháp đánh thức tiềm năng du lịch huyện vùng cao này.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh và đại diện hơn 40 doanh nghiệp du lịch trên cả nước.

Đánh thức tiềm năng du lịch huyện vùng cao Đông Bắc - 1

Lãnh đạo UBND huyện Tràng Định đối thoại cùng doanh nghiệp (Ảnh: Hồng Anh).

Tràng Định là một huyện miền núi biên giới giàu truyền thống cách mạng của tỉnh Lạng Sơn. Huyện vùng cao Đông Bắc này đã hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có 6 xã được công nhận là xã an toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Huyện còn có 4 xã giáp biên, với đường biên giới dài trên 51km, có 2 cửa khẩu là Bình Nghi (xã Đào Viên) và Nà Nưa (xã Quốc Khánh) rất thuận lợi cho phát triển du lịch mua sắm vùng biên và tham quan quốc tế.

Ngoài ra, huyện cũng có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch sinh thái với các điểm du lịch như: Hang Bản Bó, hang Cốc Mười - Khu Pác Lùng, Ký Làng (xã Tri Phương), đỉnh Khau Hương (xã Đề Thám), cổng trời thôn Lũng Phầy (xã Chí Minh), hay điểm cao 820 (xã Quốc Khánh).

Đánh thức tiềm năng du lịch huyện vùng cao Đông Bắc - 2

Hang Bản Bó đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm bất ngờ (Ảnh: Hồng Anh).

Không chỉ có lợi thế về cảnh quan tự nhiên và giá trị lịch sử, Tràng Định còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nổi bật của các dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hoa, Mông…

Nơi đây có nhiều di sản văn hóa đặc sắc như: Hát then, sli, lượn, páo dung, múa sư tử mèo, các làng nghề truyền thống…

Huyện cũng có ngôi chùa Linh Quang có lịch sử hơn 500 năm, đền Gốc Sung, đền Mẫu và đền Quan Lãnh thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh.

Đặc biệt, đến với Tràng Định vào mùa xuân, hè, du khách còn được tham dự 21 lễ hội truyền thống độc đáo với kho tàng văn hóa ẩm thực đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc như: Vịt quay mắc mật, khau nhục, thạch đen, pẻng khua, khẩu sli, bánh khảo…

Đến Tràng Định vào mùa thu, du khách có thể ngắm nhìn cánh đồng Thất Khê, cánh đồng xã Tri Phương, Quốc Khánh như những bức tranh đầy màu sắc nằm gọn giữa những dãy núi trùng điệp. Đây chính là nguồn tài nguyên phong phú, giàu tiềm năng phát triển du lịch của huyện.

Với các lợi thế đó, huyện Tràng Định có tiềm năng phát triển được nhiều loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch tham quan di tích lịch sử, du lịch trải nghiệm lễ hội truyền thống, du lịch văn hóa bản địa.

Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã tích cực trao đổi, chia sẻ về những hạn chế, vướng mắc, đồng thời, đề xuất giải pháp đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch Tràng Định.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra như đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển du lịch; nâng cao chất lượng phục vụ tại các nhà hàng, cơ sở lưu trú; xây dựng các sản phẩm du lịch mới có thể khai thác lập tức tại huyện Tràng Định; tăng cường đưa các hoạt động văn hóa của cộng đồng vào phát triển các sản phẩm du lịch; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa cơ quan chính quyền, doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp lữ hành đưa khách về huyện…

Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam Vitours đến từ Đà Nẵng đánh giá, Tràng Định có nhiều điểm đến hoang sơ và nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh, về nguồn, các tour trekking (đi bộ đường dài khám phá) huấn luyện, phát triển văn hóa ẩm thực làng nghề.

Đánh thức tiềm năng du lịch huyện vùng cao Đông Bắc - 3

Ông Vũ Hoàng Linh chia sẻ về giải pháp đánh thức tiềm năng du lịch huyện vùng cao tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: Hồng Anh).

Ông Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lê Việt Nam cho rằng, du lịch ở Tràng Định nhìn chung mới ở bước phát triển ban đầu. Tài nguyên du lịch của huyện chưa được khai thác để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

"Để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn vùng Đông Bắc, tôi nghĩ trước mắt Tràng Định cần phát triển những tuyến điểm đang sẵn có, chính quyền địa phương cần đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện, cơ chế chính sách hợp lý để thu hút đầu tư tại các điểm đến tiềm năng.

Ngoài ra, địa phương cần liên hệ, liên kết với các địa điểm du lịch của các huyện trong tỉnh và các tỉnh vùng Đông Bắc để đẩy mạnh du lịch của mình", ông Linh nói.

Ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết, qua chia sẻ từ các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, UBND huyện Tràng Định đã tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến làm cơ sở để lãnh đạo huyện xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy du lịch huyện phát triển trong thời gian tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm