Cung điện lớn nhất Tử Cấm Thành xây bằng gỗ quý, cái giá phải trả rất đắt
(Dân trí) - 72 cây cột làm bằng gỗ quý được dùng để xây dựng điện Thái Hòa - cung điện lớn nhất Tử Cấm Thành, là loại gỗ Trinh Nam, nhưng cái giá phải trả cũng vô vùng đắt đỏ.
Tử Cấm Thành vốn là khu phức hợp cung điện ở khu Đông Thành thuộc Bắc Kinh, Trung Quốc, với tổng diện tích lên tới 720.000 m2.
Đây là nơi ở của giới hoàng tộc thuộc hai triều đại phong kiến nhà Minh và nhà Thanh. Khu di tích được UNESCO xếp vào loại quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và được công nhận là Di sản thế giới năm 1987.
Hiện tại, địa danh này là một trong những điểm đến hút khách bậc nhất tại Trung Quốc.
Điện Thái Hòa hay còn gọi là điện Kim Loan, là cung điện lớn nhất bên trong Tử Cấm Thành, tọa lạc trên trục trung tâm nối với Thái Hòa Môn ở phía trước.
Vào thời nhà Minh, điện có tên là Phụng Thiên. Đến thời Thuận Trị nhà Thanh mới đổi thành Thái Hòa. Đây cũng là nơi các triều đại nhà Minh và nhà Thanh sử dụng để tổ chức lễ đăng quang và lễ cưới Hoàng tộc.
Vươn cao 30m so với những bậc đá hình vuông bao quanh, điện Thái Hòa là nơi biểu trưng cho quyền lực của Hoàng đế Trung Hoa, đồng thời là công trình bằng gỗ lớn nhất còn được bảo tồn ở Trung Quốc. Chiều dài, chiều rộng của điện đều liên quan tới các con số 9 và 5, tượng trưng cho uy quyền của Hoàng đế.
Nhưng đáng chú ý nhất phải kể tới 72 cột bằng gỗ quý hiếm, được ví như chống đỡ mặt tiền của 24 triều đại nhà Minh, Thanh.
Năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420), điện Thái Hòa hoàn thành. Điện nằm trên diện tích hơn 2.300m2, là cung điện lớn nhất ở Tử Cấm Thành.
72 cây cột gỗ quý hiếm được dùng để chống đỡ công trình. Những cây cột to nhất, cao nhất, có đường kính lên tới hơn 1m, cao hơn 12m. Đây là gỗ Trinh Nam tơ vàng.
Loài cây này chỉ sinh trưởng ở những vùng rừng thiêng nước độc thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quảng Châu và Quý Châu. Thời điểm đó, vùng rừng núi này là nơi nhiều loài rắn rết, hổ báo sinh sống.
Để có đủ số gỗ này, dân thường và quan lại địa phương phải mạo hiểm tính mạng vào rừng đốn cây. Nhiều người trong số đó đã bỏ mạng. Bởi thế, người đời sau đã có câu thành ngữ "Lên núi 1.000 người, rời núi còn 500 người" dùng để chỉ "giá đắt phải trả" để có được số gỗ quý phục vụ triều đình.
Sau khi đốn cây, chuyện khác lại nảy sinh. Thời đó, con người không có phương tiện giao thông tiên tiến. Vậy làm thế nào vận chuyển khối gỗ khổng lồ xuôi về Bắc Kinh - nơi cách rừng hàng nghìn dặm.
Khi đó, quan thượng thư Tống Lễ đã dùng phương pháp đòi hỏi sự khéo léo và dũng cảm: thả gỗ chảy xuôi theo dòng nước. Vì thế, sau khi gỗ lấy ở rừng Tứ Xuyên, Quý Châu, được thả xuống sông. Bằng cách này, gỗ được vận chuyển tới Bắc Kinh.
Ví dụ như thời Vĩnh Lạc đế (1402-1424), để xây cung điện cần 13 năm khai thác gỗ. Điều này cho thấy, để có đủ số gỗ phục vụ việc xây dựng, tiêu tốn rất nhiều công sức và thời gian.
Điện Thái Hòa trải qua nhiều biến cố của lịch sử, từng vài lần gặp hỏa hoạn và cháy rụi nên cũng trải qua nhiều lần trùng tu. Đến thời nhà Thanh, loại gỗ dùng để xây điện là gỗ tùng, khai thác ở 3 tỉnh vùng Đông Bắc của Trung Quốc.
Ngày nay, điện Thái Hòa vẫn tồn tại cùng hậu thế, nhưng 72 cây cột quý bằng gỗ Trinh Nam không còn nữa. Dù vậy, sử sách vẫn ghi lại về sự tồn tại của chúng.
Đó là điều không thể thay đổi.