Cỗ xe ngựa của Tần Thủy Hoàng có "điều hòa không khí" chạy đường ray riêng
(Dân trí) - Hơn 2.000 năm sau khi được khai quật, các chuyên gia cho biết, cỗ xe ngựa của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng được thiết kế có cửa sổ thông gió hai lớp điều hòa không khí.
Chuyến tàu hỏa chở khách đầu tiên lăn bánh tại Anh năm 1825, sau nhiều cải tiến về động cơ và đường ray của kỹ sư George Stephenson.
Nhưng ít ai biết rằng, hơn 2.000 năm trước vào thời nhà Tần dưới triều đại của Tần Thủy Hoàng, "các kỹ sư" Trung Hoa đã thiết kế ra loại "xe giường có điều hòa thông khí" chạy trên đường ray chuyên dụng.
Những bằng chứng được chứng minh qua cỗ xe ngựa bằng đồng, khai quật ở khu vực phía Tây trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Thiểm Tây, Trung Quốc.
Khi khai quật, các chuyên gia khảo cổ cho biết, hai cỗ xe ngựa đồng có kích thước bằng 1/2 xe thật. Trong đó, cỗ xe ngựa thứ nhất dùng để mở đường, còn cỗ xe thứ 2 để Hoàng đế sử dụng. Trong xe có giường nằm, thiết kế cửa sổ thông gió hai lớp điều hòa không khí.
Gọi là "xe có giường nằm" vì bên trong xe dùng lớp lót đệm mềm, được thêu hoa văn tinh xảo. Khi xe di chuyển, người ở bên trong có thể tùy ý nằm, ngồi với các tư thế thoải mái.
Vậy hệ thống điều hòa của xe ngựa thiết kế thế nào?
Phần toa xe bố trí cửa sổ hai lớp có thể trượt ngang hoặc mở hất. Hơn 2.000 năm sau, tại thời điểm khai quật, cửa sổ xe thậm chí vẫn có thể mở ra kéo vào trơn tru.
Ở lớp ngoài cửa sổ có nhiều lỗ nhỏ, còn lớp trong có thể đóng mở. Cách thiết kế đặc biệt này đã tạo ra hệ thống thông gió, điều hòa không khí, làm ấm xe lúc trời lạnh và mát mẻ nếu trời nóng.
Xe có giường nằm, điều hòa không khí, nhưng điều khiến các chuyên gia ngạc nhiên hơn cả là thiết kế đường ray chuyên dụng. Để xe chạy nhanh và êm hơn,
Hoàng đế Tần Thủy Hoàng còn cho xây dựng đường ray riêng dành cho xe ngựa phục vụ triều đình. Đường ray này còn gọi là "trì đạo".
Ở khu vực Nam Dương của tỉnh Hà Nam nước này, nhóm khảo cổ học đã phát hiện ra dấu tích "trì đạo" còn sót lại từ thời nhà Tần. Đó là đường ray gỗ và các thanh tà vẹt đều tăm tắp. Những đường ray gỗ giúp các cỗ xe ngựa chạy nhanh, êm hơn.
Khoảng cách giữa các thanh tà vẹt được "kỹ sư Trung Hoa cổ đại" tính toán tương ứng với khoảng cách bước chân của ngựa. Bởi vậy, khi đi vào đường ray, vó ngựa sẽ phi nhanh hơn đường thông thường.
Được biết, lăng mộ Tần Thủy Hoàng do một nhóm nông dân tình cờ phát hiện ra trên cánh đồng vắng vẻ ở tỉnh Thiểm Tây vào năm 1974.
Lăng mộ nằm ở phía bắc núi Ly Sơn thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây, cách Tây An chừng 50km về phía đông. Công trình được xây dựng với quy mô kiến trúc bề thế, được UNESCO xếp hạng là kỳ quan thế giới vào năm 1987.
Kể từ ngày phát hiện đến nay đã một nửa thế kỷ qua đi, nhưng nơi này vẫn là ẩn số với hậu thế, bởi phần lớn lăng mộ chưa được khám phá hết.
Hiện đội quân đất nung, một phần của lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn đón khách tham quan. Trong năm 2015, hơn 5 triệu người đã tới đây chiêm ngưỡng, tìm hiểu về lịch sử cổ đại.
Tần Thủy Hoàng (259 trước Công nguyên - 210 trước Công nguyên), là vị vua thứ 36 của nước Tần.
Sau khi tiêu diệt 6 nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc vào năm 221 trước Công nguyên, ông trở thành vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa.