Cua lông – Món đặc sản dành cho giới thượng lưu
(Dân trí) - Món đặc sản dành cho giới thượng lưu ở Thượng Hải, chỉ có vào dịp mùa thu, không thể bỏ qua cua lông.
Cứ đến độ tháng 9 hàng năm, anh Yao Zhigang lại bước vào giai đoạn bận rộn nhất trong năm – mùa cua lông đặc sản vào vụ. Đó là tháng cao điểm thu hoạch cua lông khi gia đình anh liên tục nhận những đơn hàng tới tấp từ nhiều vùng miền trên khắp Trung Quốc gửi về.
Anh Yao là một trong vài chục nông dân nuôi cua lông ở hồ Dương Trừng – một hồ nước ngọt nằm tại tỉnh Giang Tô thuộc miền đông Trung Quốc. Dù cua lông chẳng thiếu ở nhiều địa phương, nhưng đánh bắt từ hồ Dương Trừng mới được xếp hạng đặc sản.
Truyền thuyết xưa kể lại, cứ tới độ mùa thu vào tháng 9 – tháng 10 âm lịch hàng năm, cua lông thịt chắc mà nhiều trứng nhất, vua Càn Long lại vi hành từ kinh thành tới hồ Dương Trừng để thưởng thức món đặc sản này cùng trà Long Tỉnh.
Là hồ nước ngọt cách thành phố Tô Châu chừng 3 km về phía đông bắc, hồ Dương Trừng được thiên nhiên ưu đãi với nguồn nước thanh khiết và nhiều điều kiện lý tưởng để loài cua lông phát triển.
Yao là thế hệ thứ 2 trong gia đình truyền thống nuôi cua lông. Ngay từ nhỏ, Yao sớm biết phụ giúp bố mẹ. Và đến giờ ở tuổi ngoài 30, anh đang cai quản một trang trại nuôi cua, xuất khoảng 60.000 con mỗi năm.
Cơn ác mộng của những người nuôi cua chính là khi trời mưa, mực nước dâng cao và lũ cua sẽ trốn thoát. Bắt đầu từ thời điểm tháng 9, Yao chuyển ra sống tạm ở một lán gỗ xây trên hồ. Anh dành hàng đêm canh chừng trang trại của mình, ngăn chặn việc cua bị đánh cắp.
Từ tháng 4, Yao cho cua ăn hỗn hợp gồm ốc nước ngọt, ngô, cá vụn. Lượng thức ăn không được quá nhiều vì có thể khiến nước đục bẩn. Những con cua sẽ trải qua quá trình lột xác tới 6, 7 lần để đạt độ “trưởng thành”. Đây là giai đoạn chúng có những sợi lông đặc trưng trên càng, nên cái tên “cua lông” cũng xuất phát từ đó.
Cua lông nuôi ở nhiều hồ nước ngọt trên khắp Trung Quốc, từ hồ Taihu tới hồ Gucheng lân cận, nhưng không thể so sánh về danh tiếng với hồ Dương Trừng - nơi có hương vị đặc biệt hơn cả, được xếp loại hảo hạng.
Bởi vậy, mỗi con cua 300 g ở Dương Trừng có thể có giá hơn 90 USD. Đặc điểm dễ nhận dạng cua lông trong hồ là lớp vỏ xanh, chân trắng, bụng vàng và lông vàng. Ngoài ra, do đáy hồ là lớp đá nên cua không bùn trên vỏ.
Theo anh Yao, cua lông ngon nhất vào dịp tháng 10. Nhưng để chọn và ăn đúng con ngon lại là một nghệ thuật. Người Trung Quốc có nhiều cách chế biến, nhưng để giữ hương vị chuẩn nhất vẫn là hấp. Cách này giúp cua giữ được độ ngọt, ngon, thịt chắc, gạch béo ngậy ở mức cao nhất.
Khi thưởng thức, thực khách sẽ chấm thịt cua cùng thứ sốt đặc biệt pha từ giấm, đường và gừng.
Một số món ăn khác “nhất định phải thử” bao gồm cua xào, măng tây xào cùng thịt càng cua và bánh bao (xiao long bao) với nhân thịt cua. Kết thúc bữa ăn, thực khách nên nhấm nháp chút huangjiu (rượu vàng), hay trà gừng để cân bằng tính hàn từ cua.
Hoàng Hà
Theo SCMP/ News