Cột cờ cao nhất thế giới ở Mỹ, cao hơn tòa nhà 102 tầng lo thành "bẫy du lịch"

Huy Hoàng

(Dân trí) - Dự án cột cờ cao nhất thế giới ước tính tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD với chiều cao khoảng 445m với mục đích "khơi dậy tinh thần tự hào và đoàn kết" của nước Mỹ, nhưng vấp phải vô số chỉ trích.

Kế hoạch xây dựng cột cờ cao nhất thế giới với chiều cao hơn cả tòa nhà Empire State (102 tầng) để treo lá cờ Mỹ đang trở thành tâm điểm chú ý với nhiều bình luận trái chiều.

Morrill Worcester, nhà sáng lập công ty đồ trang trí Worcester Wreath, đồng thời là đơn vị phát triển dự án, cho biết sẽ chi khoảng 1 tỷ USD để xây dựng công trình này.

Cột cờ cao nhất thế giới ở Mỹ, cao hơn tòa nhà 102 tầng lo thành bẫy du lịch - 1
Hình ảnh mô phỏng cột cờ khổng lồ lớn nhất thế giới ở Mỹ (Ảnh cắt từ clip).

Dự án mang tên "Cột cờ công viên tự do", được xây tại bang Maine với mục đích "khơi dậy lòng tự hào của người Mỹ, nhắc nhở nhớ tới lịch sử và gắn kết quốc gia".

Với chiều cao dự kiến 445m, nếu hoàn thành, công trình sẽ trở thành cột cờ cao nhất thế giới. Đây sẽ là nơi treo lá cờ Mỹ với diện tích lớn hơn cả sân bóng chày. Để tham quan, du khách phải di chuyển bằng thang máy mới tới đài quan sát. Thậm chí, người trải nghiệm được phóng tầm nhìn tới cả lãnh thổ Canada. Dự án sẽ mất khoảng 10 năm để hoàn thành.

Bên cạnh cột cờ khổng lồ, người đứng đầu công ty Worcester Wreath dự kiến sẽ xây "các bảo tàng sống" nơi dành cho cựu chiến binh kể chuyện lịch sử cùng nhiều công trình khác.

Tuy nhiên kế hoạch sớm vấp phải sự phản đối của thị trấn Columbia Falls - nơi dự kiến nằm sát cột cờ nhất. Người dân địa phương lo ngại công trình sẽ phá hỏng cảnh quan tự nhiên, kéo theo nhiều tác động không tốt tới môi trường.

Vùng đất hiện tại vốn là "ốc đảo" của những cây việt quất hoang dã, hồ và suối đầy cá hồi Đại Tây Dương. Hươu sừng tấm, gấu đen, hải ly thường xuyên xuất hiện trong hệ sinh thái này.

Cột cờ cao nhất thế giới ở Mỹ, cao hơn tòa nhà 102 tầng lo thành bẫy du lịch - 2
Nhiều người lo ngại cảnh quan thiên nhiên xung quanh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi công trình xuất hiện (Ảnh minh họa: AP).

Nhưng một khi công trình xuất hiện tại đây, những thứ vốn thuộc về hoang dã có thể không còn nữa. Điều này khiến các cư dân lo ngại rằng "mảnh đất thiên đường" nhỏ bé của họ có thể biến thành "bẫy du lịch". Và rồi xung quanh hàng loạt trung tâm mua sắm, nhà hàng bán đồ ăn nhanh, cửa tiệm, bãi đỗ xe mọc trên các vạt rừng xanh, xuất hiện để phục vụ khách du lịch.

"Đây là khu vực hoang dã cuối cùng ở Bờ Đông", cô Marie Emerson, người nông dân trồng việt quất lâu năm, nhận xét. Bản thân cô cũng tin rằng, sự nguyên sơ vốn có là điều khiến nơi đây trở nên khác biệt hơn so với phần còn lại của nước Mỹ.

"Một sự thay đổi lớn sẽ đồng nghĩa với việc nhóm động vật hoang dã từng tồn tại khoảng 10.000 năm qua sẽ kết thúc. Có ai muốn giết con ngỗng đẻ trứng vàng không?", cô Marie đặt câu hỏi.

Trong khi đó, phía công ty đứng đầu dự án cho rằng, công trình có thể đưa thị trấn Columbia Falls lên bản đồ như một điểm đến hút "khách du lịch yêu nước".

Cột cờ khổng lồ nhất thế giới, cao hơn tòa nhà 102 tầng bị chê "phù phiếm" (Nguồn: AP Video).

Theo kế hoạch, du khách khi lái xe tới thị trấn này sẽ thấy cờ Mỹ cùng hàng loạt khẩu hiệu yêu nước. Tuy nhiên khi dự án lần đầu ra mắt đã nhận vô số quan điểm khác biệt.

Có ý kiến cho rằng, ở góc độ ông Morrill là người muốn dựa vào du lịch để phát triển kinh tế địa phương. Nhưng có người phản đối cho rằng công trình mang tính "áp đặt quan điểm về nước Mỹ lên người khác".

"Dự án khác với cách sống của tôi. Ngoài săn bắn và câu cá, tôi không thích đám đông", ông Charlie Robbins, nhân viên hưu trí của cơ quan quản lý giao thông vận tải bang Maine, chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm