Con đường Nobel độc đáo tại Việt Nam
(Dân trí) - Con đường Nobel dài gần 1km, tọa lạc trong khuôn viên Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) TP Quy Nhơn. Tại đây, có khắc tên nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel.
Con đường đặc biệt lưu danh nhà Nobel
Con đường sắp đặt 18 biểu tượng điêu khắc bằng đá tự nhiên nguyên khối, có khắc tên của nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel đã từng đến làm việc, giao lưu học thuật tại ICISE.
Mỗi biểu tượng điêu khắc có chiều cao 120cm, phần đế có đường kính 45cm và phần trên là 23cm, có màu xanh lá cây thẫm.
Phần chính thân cột là những khối hình mô tả các lớp vỏ của thân cây dừa. Trên cùng là lớp vỏ tạo thành các cánh hoa ôm lấy lõi của thân cây hình elip và khắc tên tuổi các nhà Nobel.
Chất liệu được lựa chọn là đá xanh Thanh Hóa, lấy từ vỉa đá ở khu vực Núi Nhồi, Đông Sơn - địa danh gắn liền với lịch sử, văn hóa người Việt cổ.
Các khối biểu trưng do họa sĩ Vũ Xuân Đông phác thảo, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoan và cộng sự thi công.
Để lấy nguồn cảm hứng sáng tác, họa sĩ Vũ Xuân Đông dành nhiều thời gian quan sát, cảm nhận không gian, ý nghĩa con đường Nobel để vẽ phác thảo và quyết định chọn ý tưởng hình tượng cây dừa hóa thạch cho mô hình biểu trưng ghi danh các nhà khoa học ở Bình Định - nơi nổi tiếng với xứ dừa Tam Quan.
"Hiếm có nơi nào có nhiều cây dừa cổ như ở đây, những thực thể ấy giống như nhà khoa học đã và đang ở đây để truyền lửa đam mê khoa học cho các thế hệ mai sau. Bởi vậy, tôi chọn hình tượng cây dừa hóa thạch làm biểu trưng chính của con đường Nobel", họa sĩ Vũ Xuân Đông chia sẻ.
Con đường Nobel thứ 2 trên thế giới
Mới đây, trong lần thứ 3 trở lại ICISE để dự kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam (1993-2023), 10 năm hoạt động của ICISE (2013-2023) và Hội thảo khoa học quốc tế "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ", Giáo sư Gerard't Hooft (ĐH Utrecht, Hà Lan), người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1999, xúc động khi nhìn thấy tên ông được lưu danh bên con đường Nobel.
Ngày 27/7/2017, chính Giáo sư Gerard't Hooft và Giáo sư Trần Thanh Vân cùng lãnh đạo tỉnh Bình Định thực hiện nghi thức khai trương biển tên đường Đại lộ Khoa học riêng có ở Quy Nhơn. Đó là lần đầu tiên Giáo sư Gerard't Hooft đến ICISE.
"Tôi cảm thấy rất vui và thú vị khi tên của mình được khắc ghi trân trọng ở một nơi tuyệt vời như thế này. Tôi có cảm giác nhẹ nhõm và sảng khoái khi tản bộ trên con đường đặc biệt này", Giáo sư Gerard't Hooft vui mừng.
Theo Tiến sĩ Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc ICISE, con đường Nobel được Hội Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm ICISE thực hiện, nhằm vinh danh, thể hiện sự trân trọng đối với các giáo sư Nobel từng đến ICISE.
"Con đường này là nơi để các nhà khoa học đi bộ, thư giãn, suy ngẫm, chia sẻ, trao đổi để phát kiến các ý tưởng nghiên cứu mới. Con đường, với sự yên bình của nó, mang lại một sắc thái mới cho ICISE trở nên đặc biệt hơn", Tiến sĩ Sơn chia sẻ.
Đây là con đường Nobel thứ 2 trên thế giới được xây dựng, cùng với Đại lộ Nobel đầu tiên tại TP Rishon Lezion (Israel).
Con đường Nobel "độc nhất vô nhị" kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam (1993-2023) và 10 năm hoạt động của ICISE (2013-2023).
Giáo sư Sheldon Lee Glashow, người đầu tiên được ghi danh trên con đường Nobel ở Việt Nam, chia sẻ: "ICISE không chỉ dành riêng cho các nhà khoa học và sinh viên của Việt Nam mà còn dành cho các nhà khoa học, kỹ sư, sinh viên, các nhà giáo dục trên khắp năm châu. ICISE phải được coi là di sản khoa học thế giới".
Được biết, Trung tâm ICISE khởi công xây dựng tại TP Quy Nhơn vào năm 2011, đưa vào hoạt động từ năm 2013. Tính đến nay, Trung tâm ICISE đã tổ chức gần 150 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao, với gần 10.000 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đặc biệt trong đó có 18 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel.