Côn Đảo điểm đến du lịch tâm linh

Nằm cách đất liền 97 hải lý nhưng không khí đón xuân ở Côn Đảo không vì vậy mà thiếu các hương vị Tết cổ truyền của dân tộc. Các hoạt động như hội hoa xuân, phố ẩm thực đêm, bắn pháo hoa, viếng nghĩa trang Hàng Dương, chương trình văn nghệ mừng Đảng - mừng Xuân... được tổ chức, tạo không khí vui tươi cho nhân dân và du khách trong dịp Tết Đinh Dậu 2017.

Côn Đảo điểm đến du lịch tâm linh - 1

Xuân về trên mảnh đất linh thiêng

Tuyến đường độc đạo từ sân bay Cỏ Ống vào trung tâm thị trấn Côn Đảo khoảng chừng 30 cây số, men theo sườn núi, mép biển... Phố đảo trông ra đại dương, mặt tiền là đường Tôn Đức Thắng - trước đây chỉ có dinh chúa đảo và một số công sở ngự trị, còn bây giờ đã mọc thêm nhiều nhà hàng, khách sạn.... Người Côn Đảo nói với tôi rằng: “Đất Côn Đảo thấm đẫm máu anh hùng, chất chồng xương chiến sĩ... Có thể tìm thấy bằng chứng tội ác của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trong từng viên sỏi, hạt cát, bụi cây...”.

Bởi vậy, ngay sau khi đặt chân tới Côn Đảo, nơi đầu tiên chúng tôi đến là Nghĩa trang Hàng Dương, nơi an nghỉ của hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ (chủ yếu là tù chính trị), đồng bào yêu nước đã hi sinh. Nghĩa trang rộng gần 20ha, nằm giữa rừng dương xanh ngắt, khắp nơi nghi ngút khói nhang của những người thân, khách du lịch, các đoàn ra thăm, viếng, tạo nên một không khí ấm áp, linh thiêng.

Côn Đảo được biết đến là Hòn đảo ngọc biển Đông, nơi đây từng là địa ngục trần gian, chốn lao tù hơn 113 năm, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn hai vạn anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến thần thánh để bảo vệ và giải phóng dân tộc.

Theo số liệu thống kê, hiện nay số người sinh sống trên đảo chỉ bằng một phần ba số người đã nằm xuống trên mảnh đất này. Bởi vậy, khi đến với Côn Đảo, địa chỉ đầu tiên mà du khách đến thăm là các nhà tù, trại giam còn lưu giữ nguyên trạng qua nhiều biến cố của thời gian.

Côn Đảo điểm đến du lịch tâm linh - 2

Bằng chứng tội ác của chủ nghĩa thực dân, đế quốc có thể tìm thấy trong từng viên sỏi, hạt cát, bụi cây...

Năm 1862, tức là chỉ sau 4 năm nổ tiếng súng xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã bắt đầu triển khai xây dựng ở đây hệ thống các nhà tù, trại giam nhằm đập tan khát vọng về một Việt Nam độc lập, không chịu khuất phục trước gót dày xâm lăng của ngoại bang. Lần lượt các chí sỹ yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh... đã bị chúng lưu đày, giam cầm ở đây. Bài thơ nổi tiếng “Đập đá ở Côn Lôn” của Phan Chu Trinh đã mô tả đầy đủ cảnh người tù khổ sai hàng ngày phải đập những tảng đá khổng lổ mang từ núi xuống, dưới cái nắng như thiêu như đốt song ý chí và quyết tâm của các chí sĩ yêu nước vẫn không hề lung lay.

Tồn tại hơn 100 năm, với đội ngũ cai ngục khét tiếng, áp dụng đủ hình thức giam cầm, tra tấn dã man nhất, các nhà tù trại giam ở Côn Đảo đã chứng kiến sự hy sinh của hơn 20 ngàn người con ưu tú thuộc các thế hệ của dân tộc. Máu xương của họ trộn lẫn với cát, biển, với đất đảo anh hùng.

Thay da đổi thịt từng ngày

Từ một hòn đảo được mệnh danh là chốn địa ngục trần gian, giờ đây Côn Đảo được biết đến như một hòn đảo thiêng liêng và thơ mộng. Những năm gần đây, Côn Đảo được kiến thiết, xây dựng như một bức tranh tuyệt tác, nổi lên trên làn nước trong xanh của biển Đông.

Ngày nay, hệ thống đường giao thông trên đảo được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Thị trấn Côn Đảo rợp bóng với những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Các khu nghỉ dưỡng, resort, khách sạn, nhà hàng mọc lên ngày một nhiều. Côn Đảo đã kết nối với TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ bằng đường hàng không, mỗi ngày có 02 - 6 chuyến bay. Tàu biển đi về Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi ngày 1 lượt với hành trình hơn 10 tiếng/chuyến.

Đến thăm Côn Đảo ngoài ý nghĩa trở về nguồn, du khách còn được tắm mình trong không khí trong lành, thuần khiết của quần đảo bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ với các bãi biển hoang sơ, khu bảo tồn vườn quốc gia nguyên sinh. Côn Đảo không chỉ là vùng có nhiều rùa biển nhất Việt Nam mà còn là nơi duy nhất ở nước ta còn tồn tại một quần thể bờ biển. Điều đặc biệt là toàn huyện đảo rộng hơn 76km2, trong đó thị trấn nằm ở đảo Côn Sơn trong một thung lũng bề ngang có nơi rộng 02 - 3km, chiều dài 8 - 10km. Với dân số hơn 7 ngàn người, dân cư sống rải rác nên đường trong thị trấn luôn thông thoáng, người và xe vừa đủ; hòn đảo luôn yên tĩnh và thanh bình đến lạ thường, nhất là vào ban đêm, hiếm khi nghe thấy tiếng còi xe.

Côn Đảo điểm đến du lịch tâm linh - 3

Du khách thoải mái lựa chọn hải sản khi tới Côn Đảo

Hiện ở Côn Đảo không có hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo còn không đáng kể. Côn Đảo là nơi duy nhất trong cả nước có chính quyền 1 cấp - cấp huyện làm luôn nhiệm vụ của cấp xã. Huyện đã có bệnh viện, 1 trường cấp II, III; 02 trường tiểu học và một số trường mầm non. Điều đáng mừng ở Côn Đảo là xuất hiện ngày càng nhiều các dự án đầu tư trong và ngoài nước khiến huyện đảo không ngừng phát triển. Côn Đảo hôm nay mỗi năm đón gần 100 ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 tầm nhìn 2030, Côn Đảo sẽ xây dựng trở thành đặc khu kinh tế phát triển theo hướng kinh tế du lịch - dịch vụ chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển các loại hình du lịch biển đảo, sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa - lịch sử. Với mục tiêu này, hiện nay các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đang chung tay đầu tư xây dựng để đưa Côn Đảo vươn lên hội nhập và phát triển cùng cả nước.

Đây sẽ là tiền đề, là đòn bẩy để Côn Đảo kiên cường năm xưa trở nên giàu có, xinh đẹp và quyến rũ du khách gần xa trong nay mai.

Theo Minh Quốc

Báo GTVT