Cô gái duy nhất sống sau thảm họa rơi máy bay, lênh đênh trên biển 12 tiếng

Huy Hoàng

(Dân trí) - Thảm họa xảy ra khi máy bay rơi xuống Ấn Độ Dương, chỉ duy nhất cô bé 12 tuổi thoát nạn nhờ bám vào một mảnh vỡ và lênh đênh trên biển suốt 12 tiếng trước khi được giải cứu.

Những ký ức kinh hoàng từ cõi chết trở về

Năm 2009, chiếc máy bay Airbus 310 của hãng hàng không Yemenia Airways gặp sự cố và lao xuống vùng biển Ấn Độ Dương gần quần đảo Comoros trong đêm.

Tai nạn khiến 152 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, chỉ duy nhất một bé gái 12 tuổi có tên Bahia Bakari may mắn sống sót nhờ bám vào một mảnh vỡ.

Trong một phiên tòa diễn ra tại Paris, Pháp, Bahia, 25 tuổi, nhớ lại khoảnh khắc khủng khiếp mà cô phải một mình đối diện.

"Chuyến bay về đêm có vẻ êm ả cho tới lúc gần hạ cánh. Đột nhiên tôi thấy như một cú điện giật khiến toàn thân tê liệt và cơ thể bay lên. Ban đầu, tôi còn tưởng mình đã tì trán vào ô cửa sổ quá mạnh mà không cài dây an toàn nên rơi ra khỏi máy bay", cô nhớ lại.

Cô gái duy nhất sống sau thảm họa rơi máy bay, lênh đênh trên biển 12 tiếng - 1
Một phần mảnh vỡ của máy bay sau tai nạn (Ảnh: BBC).

Ký ức kinh hoàng về chuyến bay "tử thần" sau hơn 10 năm vẫn in sâu trong tâm trí của Bahia. Trước khi tai nạn xảy ra, Bahia cùng mẹ dự định tới đảo Comoros để nghỉ dưỡng.

Sau khi dừng ở Marseilles, hai mẹ con chuyển sang chiếc Airbus 310 của hãng Yemenia Airways để tiếp chuyến bay tới Moroni, thủ đô của Comoros. Khi đó, hai mẹ con không hề biết đã bước lên chiếc máy bay cũ kĩ, bị cấm hoạt động ở Pháp.

"Bên trong máy bay có mùi như nhà vệ sinh và thậm chí có cả ruồi", cô nhớ lại.

Cô gái duy nhất sống sau thảm họa rơi máy bay, lênh đênh trên biển 12 tiếng

Bahia vẫn nhớ rõ khi chuẩn bị hạ cánh, máy bay rung lên dữ dội còn gương mặt các tiếp viên rất lo lắng. Cô áp sát mặt nhìn qua ô cửa sổ máy bay khi nó chao đảo, thì một tiếng nổ lớn đinh tai nhức óc. Cô muốn gọi mẹ nhưng cơ thể như bị kéo giãn hết cỡ. Và khi tỉnh lại, cô thấy mình đang ở dưới nước, ho sặc sụa, thở hổn hển.

"Tôi không biết mình sẽ vượt qua chuyện này thế nào", Bahia mô tả lại khoảnh khắc cô bám chặt vào một mảnh vỡ máy bay, xung quanh toàn mùi nhiên liệu bốc cháy.

Một mình giữa đại dương và phép màu kỳ diệu

"Xung quanh tôi chỉ là màn đêm đen kịt. Và rồi tôi thấy những mảnh trắng dập dềnh không xa nên cố bơi tới để bám vào mảnh lớn nhất", cô nhớ lại. Cuối cùng, Bahia trèo lên được một mảnh và giữ trong tư thế vắt nửa người, hai chân buông thõng dưới nước.

Sau một hồi loay hoay, vì quá mệt nên cô bé ngủ thiếp đi. Suốt quãng thời gian ấy, tâm trí cô bé chỉ suy nghĩ về mẹ, nhờ đó cầm cự suốt hơn 12 tiếng dưới nước.

Cô gái duy nhất sống sau thảm họa rơi máy bay, lênh đênh trên biển 12 tiếng - 2
Baiha khi điều trị tại bệnh viện (Ảnh: Mirror).

Khi mặt trời lên cao, cô nghe thấy tiếng máy bay ngang trên đầu và tin rằng đội cứu hộ đã tới. Baiha hy vọng thấp thỏm, nhưng rồi chợt nhận ra mình đang bị những con sóng lớn kéo ra xa khỏi hiện trường vụ tai nạn. Cô bé hoảng sợ vì nghĩ sẽ không ai thấy mình giữa vùng nước mênh mông ấy. Sức lực cạn kiệt khiến cô bé không còn suy nghĩ được nhiều.

Và khi Baiha gần như từ bỏ mọi hy vọng, cô bỗng thấy một con thuyền tiến về phía mình. Khi đó, anh Libouna Matrafi, một ngư dân, vô cùng kinh ngạc khi thấy một cô bé đu bám trên mảnh vỡ máy bay.

Cuộc sống hiện tại và nỗi đau ở lại

Sau tai nạn, Bahia rời xa sự chú ý của công chúng, trở lại cuộc sống bình thường như bao cô gái khác. Cô về sống tại vùng ngoại ô của thủ đô Paris cùng bố và những người họ hàng.

Tháng 1/2010, cô bé đã kể lại biến cố cuộc đời trong cuốn hồi ký bằng tiếng Pháp với lời tựa "Moi Bahia, la miraculée" (tạm dịch: Tôi là Bahia, cô gái kỳ diệu).

Cô gái duy nhất sống sau thảm họa rơi máy bay, lênh đênh trên biển 12 tiếng - 3
Baiha ở thời điểm hiện tại (Ảnh: Theguardian).

Cơ quan an toàn hàng không dân dụng Pháp (BEA) đã xác định tai nạn do sai lầm của các phi công. Câu hỏi được dư luận đặt ra là, liệu các phi công trên chuyến bay được đào tạo đầy đủ hay do trục trặc kỹ thuật. Kết luận cuối cùng đưa ra là phi công thao tác sai dẫn tới việc máy bay bị rơi.

Tại phiên tòa diễn ra ở Paris, Pháp, năm 2022, Baiha lên tiếng chỉ trích hãng hàng không hiện nay gọi là Yemenia, vì không cử đại diện tới phiên tòa.

"Tôi muốn họ lắng nghe tôi nói, để cảm thấy mình được tôn trọng. Giữa đại dương, tôi từng đơn độc và tuyệt vọng", cô nói.   

Ở thời điểm hiện tại, Baiha vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau. "Khó khăn nhất với tôi là việc biết mẹ đã ra đi mãi mãi. Tôi rất sửng sốt khi biết mình sẽ không bao giờ được gặp lại bà nữa", cô gái tuôn trào trong nước mắt.