Chuyện của nam porter tại ngọn núi "tử thần" Everest

Diệp Bình

(Dân trí) - Cõng trên lưng hàng chục kg hành lý của khách, chịu đựng giá buốt khắc nghiệt trên "nóc nhà thế giới", cuộc đời của porter (người khuân vác hành lý) tại Nepal luôn có nhiều câu chuyện để kể.

Trên đỉnh "tử thần"

"Một kiếp sống như những chú lừa thồ hàng, nếu như bạn không gặp được ông chủ tốt", Santosh (37 tuổi, người Nepal) nói về công việc gắn bó với anh 10 năm.

Everest được mệnh danh là đỉnh núi "tử thần" khi người chinh phục nó phải trải qua sự khắc nghiệt của thời tiết buốt giá, đối mặt với nguy cơ bỏng lạnh, thiếu oxy, sốc nhiệt… Để giảm bớt sức nặng của hành lý, người leo núi buộc phải thuê các porter khuân vác đồng hành.

Chuyện của nam porter tại ngọn núi tử thần Everest - 1

Dịch vụ khuân vác hành lý trên đỉnh Everest được xem là vô cùng nguy hiểm (Ảnh: NVCC).

Santosh lớn lên tại Gorkha, một tỉnh cách thủ đô Kathmandu 165km về phía Tây. Ký ức tuổi thơ của Santosh là ngôi làng Masel với những ngôi nhà vách đất.

Bố anh phải sang Ấn Độ làm việc để gồng gánh chi phí sinh hoạt của cả gia đình. Bố đã bán tất cả tài sản của mình nhưng không thể cứu lấy mẹ anh khỏi căn bệnh ung thư ruột. Bà qua đời khi Santosh lên 4 tuổi. Để có tiền đến trường, anh phải làm thêm tại các trang trại.

Năm Santosh 16 tuổi, khách du lịch bắt đầu đổ về Himalaya ngày một nhiều. Anh thường nấp sau những rặng cây để âm thầm quan sát họ.

Santosh thấy tò mò về lon Coca Cola mà họ mang theo, những túi ngủ xanh - đỏ, lều trại được dựng trên những triền núi. Anh quyết định trở thành một người khuân vác hành lý kể từ đó.

Thông thường, các porter đều phải làm việc thông qua các công ty du lịch. Người chủ sẽ trực tiếp quản lý, điều hành họ đi cùng khách trên một số cung đường trekking lên Himalaya. Số hành lý mang trên người các porter dao động 10-30kg. 

Chuyện của nam porter tại ngọn núi tử thần Everest - 2

Nepal thu hút khoảng 950.000 lượt khách du lịch đến đây mỗi năm (Ảnh: NVCC).

Những ngày đầu tiên, đôi chân anh rỉ máu vì di chuyển qua những triền đồi, dốc đá dựng đứng. Anh dùng một sợi dây thừng để buộc mình, bám để trườn lên. Khối hành lý bao gồm dụng cụ nấu bếp, quần áo, thực phẩm… của khách vẫn đè nặng trên vai. Có lúc, đôi chân Santosh hoàn toàn mất cảm giác. 

"Đi đến độ cao khoảng 5.600m so với mặt nước biển, chúng tôi tự điều tiết nhịp thở của mình để không ngất đi. Tôi còn nhớ những ngày đầu làm người khuân vác, anh trai đã dành hết số tiền tiết kiệm để mua cho tôi chiếc áo ấm và đôi giày thật tốt. Tôi biết ơn điều đó", Santosh chia sẻ.

Ở mỗi trạm dừng, porter là người phụ trách nấu ăn cho khách du lịch. Họ thường tiết kiệm nước uống, dùng bữa nhanh với bánh mì và khoai tây nghiền. 

Đối với Santosh, Everest là niềm tự hào của người Nepal. Nó tồn tại muôn vàn hiểm ngụy. Anh từng gặp những thi thể dọc đường đi, chứng kiến những người ngủ thiếp đi rồi không bao giờ tỉnh dậy nữa. Đỉnh núi hàng triệu năm tuyết phủ trắng xóa vẫn nuôi dưỡng khát vọng chinh phục của con người.

Chuyện của nam porter tại ngọn núi tử thần Everest - 3

Đỉnh núi Everest là niềm tự hào của người Nepal (Ảnh: Ngọc Ngân).

Đừng bỏ cuộc, Santosh!

Mỗi năm, Nepal thu hút khoảng 950.000 lượt khách du lịch, đa phần là người thích trekking, chinh phục các cung đường ở Himalaya. Sự phát triển về du lịch đã tạo ra việc làm cho người địa phương sinh sống quanh chân núi.

Công việc vất vả, điều kiện sống khắc nghiệt và đối diện với sự suy giảm sức khỏe, thể lực qua hằng năm nhưng số tiền các porter kiếm được lại không cao.

"Chúng tôi sẽ được trả 10-12 USD mỗi ngày. Một số công ty tốt hơn sẽ đưa ra mức lương 22-25 USD cho một ngày khuân vác hành lý, nấu ăn cho du khách. Chúng tôi chỉ được phép ăn cùng khi khách du lịch đồng ý", Santosh nói.

Chuyện của nam porter tại ngọn núi tử thần Everest - 4

Mỗi chuyến khuân vác, vác porter sẽ được trả 10-12 USD (Ảnh: NVCC).

Trong thời gian cắm trại, Santosh buộc phải ngủ trong lều để tiết kiệm chi phí. Các cung đường tại vùng núi Manaslu, Annapurna, vùng Langtang sẽ có khách sạn. Tuy nhiên, vài nơi không chấp nhận những người khuân vác hành lý lưu trú.

Những lúc khó khăn, anh lại gọi về nhà để được nghe bố động viên: "Đừng bỏ cuộc, con trai của bố".

Anh cho biết, một chuyến đi có thể kéo dài 10-15 ngày. Anh thường xem du khách là bạn đồng hành, cùng họ reo vui khi hoàn thành một chặng đường dài, sưởi tay trên đóm lửa hồng, hâm nóng món gà cà ri truyền thống.

Nhiều năm trước, anh khuân hành lý cho nhóm du khách người Australia. Họ đã dạy anh nói tiếng Anh và động viên anh theo đuổi công việc của một hướng dẫn viên du lịch.

Những ngày cuối đông, Himalaya khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Anh ngồi bó gối trong lều, giữa cái lạnh rét buốt thịt da và suy nghĩ về đời mình.

"Tôi muốn bản thân có một cuộc sống tốt hơn thế này", anh nói. Santosh dùng tiền tiết kiệm để trở về thủ đô Kathmandu theo học tại một trường công lập. Anh học bù cho những tháng ngày nghèo khó không được đến trường.

Chuyện của nam porter tại ngọn núi tử thần Everest - 5

Cung đường núi tuyết tại Himalaya (Ảnh: NVCC).

5 năm sau, anh cùng anh trai của mình mở một công ty du lịch, chuyên dẫn khách trekking trên đỉnh Himalaya. Santosh - một ông chủ xuất thân từ nghề khuân vác hành lý - luôn tự nhủ mình phải đối xử tốt với các nhân viên. Anh luôn trả cho các porter một chi phí hợp lý để họ có thể lo cho cuộc sống của gia đình, ngơi nghỉ sau những chặng đường dài.

Santosh thuộc những cung đường núi tuyết trên đỉnh Himalaya. Nơi đó, anh đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, chứng kiến những vỡ òa, hạnh phúc khi người ta chinh phục được một cuộc mốc trong cuộc đời. Và chính anh, cũng đã vượt qua được nỗi sợ hãi, mặc cảm để sống cuộc đời mà mình hằng mơ ước.