Chịu cú "đánh bồi", doanh nghiệp du lịch đề nghị được “giải cứu”

Hà Trang

(Dân trí) - Cú “đánh bồi” liên tiếp đã khiến nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ kiệt quệ, không đủ nguồn vốn để duy trì đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa, dừng hoạt động.

Chịu cú đánh bồi, doanh nghiệp du lịch "khó chồng khó"

Tại hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch” chiều 7/8/2020 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho hay, ngành Du lịch đang gặp vô vàn khó khăn khi đợt dịch lần 2 bùng phát trong cộng đồng.

Tâm lý e ngại khiến khách du lịch hủy tour không chỉ đến khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa có dịch.

Các hãng hàng không, các doanh nghiệp khách sạn, các nhà đầu tư dịch vụ du lịch vừa trải qua giai đoạn khó khăn, có cơ hội khôi phục một phần dịch vụ lại tiếp tục lâm vào khủng hoảng.

"Hiện nay, lượng khách hủy tour lên đến 95%-100% trong tháng 7 và tháng 8/2020, là hai tháng cao điểm du lịch nội địa. Các doanh nghiệp đã khó khăn nay càng thêm khó khăn", ông Khánh cho hay.

Chịu cú đánh bồi, doanh nghiệp du lịch đề nghị được “giải cứu” - 1

Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch” được Tổng cục Du lịch tiến hành trực tuyến, kết nối với các đầu cầu ở các địa phương. Ảnh: TCDL

Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, từ ngày 28/7 đến ngày 2/8 đã có hơn 31 nghìn khách hủy tour nội địa. Một số công ty lữ hành lớn như Vietrantour có khoảng 3.500 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 21 tỷ đồng.

Công ty Flamingo Redtours có 9.000 khách hủy tour, gây thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Công ty Hanoitourist có khoảng 5.000 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.

Tại  TP Hồ Chí Minh, có hơn 35 nghìn chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) của các doanh nghiệp du lịch lớn bị huỷ. Riêng công ty Vietravel đã nhận yêu cầu hủy của khoảng 22.302 lượt khách, thiệt hại ước tính 102 tỷ đồng.

Chịu cú đánh bồi, doanh nghiệp du lịch đề nghị được “giải cứu” - 2

Các doanh nghiệp lữ hành cho biết họ đang chịu áp lực rất lớn trong việc bồi hoàn tiền tour cho khách. Ảnh: TCDL

Tham gia thảo luận tại hội nghị, các doanh nghiệp đều cho rằng họ đang chịu áp lực rất lớn trong việc bồi hoàn tiền tour cho khách. Lữ hành là đầu mối đứng ra tổ chức tour, ứng trước tiền chi phí cho các đối tác cung ứng dịch vụ như: nhà hàng, khách sạn, hàng không...

Khi khách hủy hoãn tour thì lữ hành cũng phải đứng ra đền bù lại tiền mua tour. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ các đơn vị đối tác lại không cho hoàn trả tiền đặt cọc thậm chí không đồng ý hoãn, lùi thời gian. Nhiều doanh nghiệp lữ hành phải chật vật, tự bỏ tiền túi ra hoàn trả cho khách. 

Phải giữ được doanh nghiệp để không đổ vỡ, phá sản

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, cú “đánh bồi” liên tiếp đã khiến nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ kiệt quệ, không đủ nguồn vốn để duy trì phải đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa, dừng hoạt động.

Trong bối cảnh này, ngành du lịch rất mong nhận được sự thông cảm của du khách, sự đoàn kết, chung tay của các ngành.

Chịu cú đánh bồi, doanh nghiệp du lịch đề nghị được “giải cứu” - 3

Cú “đánh bồi” liên tiếp đã khiến nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ kiệt quệ, không đủ nguồn vốn để duy trì. Ảnh: Công Bính

Cụ thể, du khách cho phép doanh nghiệp có thời gian để hoàn trả lại tiền mua tour, các đối tác cung ứng dịch vụ có chính sách linh động chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong khó khăn.

 “Việc phục hồi du lịch không quá lo lắng vì vừa rồi khi thực hiện chương trình kích cầu chúng ta đã chứng kiến sức mạnh, bùng nổ của lượng khách tại các điểm. Quan trọng nhất lúc này là phải giữ được đội ngũ doanh nghiệp để không bị đổ vỡ. Doanh nghiệp du lịch đang khó khăn lắm rồi”, ông Bình xót xa.

Ông Phan Xuân Thanh, đại diện Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng bày tỏ, đợt dịch lần 2 bùng phát đã khiến các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn “kiệt quệ”, không còn sức chống đỡ. Quảng Nam, Đã Nẵng lại là những điểm nóng về dịch bệnh nên việc phục hồi sau dịch chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều.

Để “cứu” doanh nghiệp sống sót, thoát khỏi nguy cơ phá sản, ông Thanh đề xuất được tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, như gói 62 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vay với lãi suất bằng 0 để duy trì hoạt động, trả tiền lương cho nhân viên.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng cũng mong muốn Chính phủ giảm 50% thuế VAT, giảm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp đến giữa năm 2021.

Tiếp tục áp dụng chính sách giảm chi phí điện nước, vốn đã dừng vào ngày 30-6, ít nhất đến hết năm 2020 cho các doanh nghiệp du lịch. Tiếp tục giảm sâu hơn lãi vay, giãn nợ, khoanh nợ, tạo điều kiện các khoản vay mới.  

Ngoài đề xuất được "giải cứu" trực tiếp bằng các gói vay ưu đãi, đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất, những đối tác hàng không, lưu trú, dịch vụ điểm đến điều chỉnh chính sách để có thể hoàn lại kinh phí (theo tỷ lệ hợp lý) hoặc gia hạn bảo lưu ít nhất 01 năm đối với các khoản tiền đặt cọc vé máy bay, dịch vụ cho khách hàng.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc quyết liệt để khẩn trương đưa ra các chính sách hỗ trợ khả thi giúp các doanh nghiệp du lịch sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm