Chi 80 triệu đồng cho chuyến đi để bơi cùng cá mập, cô gái Việt thích mê
(Dân trí) - Mỗi lần đặt chân tới Maldives lại khiến Minh Thương có những cảm xúc khác nhau. Và lần này cũng vậy.
"Thiên đường biển đảo" Maldives vốn nổi tiếng với hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên biển sang trọng bậc nhất thế giới. Thông thường, du khách tới đây chỉ để nghỉ dưỡng, thì với Minh Thương, cô gái sinh năm 1991 hiện đang sống tại Hà Nội, muốn được trải nghiệm, khám phá nhiều hơn.
Khi ra trường, Thương từng làm việc cho một tập đoàn lớn, nhưng vì niềm đam mê du lịch, cô quyết định nghỉ việc để định hướng lại bản thân. Đến nay, công việc chính của cô là content creator (nhà sáng tạo nội dung), kết hợp giữa công việc với sở thích dịch chuyển của mình.
Là người mê du lịch, từng đặt chân tới rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Thương cho rằng hiếm có nơi nào bảo tồn môi trường biển tốt và có không khí bình yên như Maldives. Với cô, quốc đảo này xứng đáng là điểm dừng chân thích hợp cho những người mê lặn biển.
"Sinh vật và hệ sinh thái biển được bảo tồn hoàn hảo do phần lớn người Maldives theo đạo Hồi. Họ ít đánh bắt và phá hoại, có ý thức bảo vệ môi trường biển cao, nên cảnh tượng cá bơi theo người vào gần sát bờ là điều thường thấy", nữ du khách Hà Nội chia sẻ.
Trong chuyến đi kéo dài 6 ngày 5 đêm, Thương dành 2 đêm ở lại đảo dân sinh Maafushi để tham gia hoạt động lặn ngắm cá. Cô cho biết, biển ở Maldives rất khác lạ so với nhiều nơi. Nước trong veo nhìn thấu tận đáy còn các loài sinh vật biển rất đa dạng, có thể dễ dàng bắt gặp cá đuối, cá trích và cả cá mập.
Khác với những loài cá mập dữ tợn như nhiều người thường hình dung, cá mập ở Maldives thuộc loài "Nurse Shark" (tạm dịch: cá mập y tá). Dù thuộc họ cá mập nhưng loài này khá hiền lành. Chúng xuất hiện ở các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới ven Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương cũng như biển Caribbean.
Do phần đầu có hình dạng giống như đang đội mũ y tá nên chúng có tên gọi như vậy. Và trong chuyến đi lần này, cô gái 9X có dịp trải nghiệm bơi lội cùng chúng.
Đảo Maafushi luôn sẵn dịch vụ này, phục vụ rất chuyên nghiệp với các mức giá khác nhau. Thương chọn gói cao hơn bình thường với chi phí khoảng 100 USD (hơn 2,3 triệu đồng) bao gồm cả tiền típ, là có đầy đủ ekip đi cùng.
Cô cho biết, bất cứ ai chưa biết bơi hay lặn biển đều có thể trải nghiệm dễ dàng. Mỗi du khách sẽ được trang bị một ống thở và chân vịt hoặc phao bơi. Nước biển ở Maldives trong vắt khiến du khách dễ quan sát, tìm hiểu về đặc tính tự nhiên của các loài sinh vật biển.
"Bơi cùng cá mập ở Maldives không quá đáng sợ như nhiều người tưởng tượng. Loài này có sở thích ăn cá và các loài động vật thân mềm, động vật giáp xác nên tiếp xúc rất an toàn. Chúng không cắn người và hung ác như nhiều loại cá mập thường thấy", Thương nói.
Đi cùng thợ lặn chuyên nghiệp nên cô được đưa tới những vùng biển đẹp nhất, có thợ quay giúp những video "sống ảo" ấn tượng từ trên cao và cả dưới nước.
Ngoài 2 ngày sống trên đảo dân sinh, Thương còn chọn lưu trú tại khu nghỉ dưỡng sang trọng nhưng nằm khá xa nên phải di chuyển bằng thủy phi cơ với giá thuê khoảng 21 triệu đồng/ngày/phòng. Đó là dạng biệt thự trên mặt nước có hồ bơi kèm cầu trượt. Thậm chí mỗi sáng, rùa biển và cá bơi lội tung tăng ngay sát nơi ở.
Khu nghỉ dưỡng cung cấp nhiều gói tour trải nghiệm hệ sinh thái biển phong phú để du khách lựa chọn, trong đó có cả ngồi du thuyền ngắm cá heo lúc hoàng hôn với giá khoảng 50 USD (1,2 triệu đồng).
"Hoàng hôn ở Ấn Độ Dương đẹp mê hồn. Mặt trời lặn khiến xung quanh nhuốm màu đỏ rực tạo nên khung cảnh rất ấn tượng. Khách ngồi trên du thuyền khoảng 20 phút là tới khu vực ngắm cá heo. Đàn cá rất thân thiện, dạn dĩ và không sợ người. Đó cũng là trải nghiệm rất đáng nhớ trong chuyến đi", cô nói.
Dù phần lớn người dân theo đạo nên hạn chế một số loại thực phẩm, nhưng ẩm thực ở Maldives rất phong phú để du khách thoải mái lựa chọn. Thương nhận định, phong cách nấu ăn ở đây ảnh hưởng nhiều từ những khu vực lân cận như Sri Lanka, Ấn Độ hay Ả Rập. Dừa, gia vị và đặc biệt là cà ri là những thành phần không thể thiếu trong nhiều món ăn.
Hiện chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam sang Maldives nên Thương phải quá cảnh ở nước thứ 3 có đường bay trực tiếp là Malaysia. Các giấy tờ cần thiết khi nhập cảnh gồm hộ chiếu còn hạn sử dụng trong vòng 6 tháng, giấy xác nhận đặt phòng khách sạn, vé máy bay khứ hồi hoặc vé dừng tại đất nước thứ 3, tờ khai thông tin để kiểm tra tại cửa hải quan.
Khi di chuyển nội địa, nếu muốn đi từ sân bay tới thủ đô hoặc các đảo nhỏ, Thương cho biết có thể chọn đi phà. Cứ 10 phút sẽ có một chuyến nên du khách thoải mái thăm thú, không sợ mất nhiều thời gian chờ đợi.
Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng có dịch vụ đưa đón khách từ sân bay tới địa điểm du lịch mong muốn. Với những khu vực lưu trú ở xa, nhân viên sẽ tới đón khách trực tiếp bằng thủy phi cơ.
Chuyến đi của Thương chi phí khoảng 80 triệu, bao gồm vé máy bay, chi phí ăn uống từ 50 USD - 100 USD/ngày, lưu trú tại khách sạn, chi phí tham quan bơi lội.