Chi 35 triệu lặn biển, cô gái Việt sốc cực độ khi chạm trán cá mập đầu búa
(Dân trí) - Có chứng chỉ lặn biển quốc tế, Hà Mi khá tự tin chinh phục nhiều vùng biển ở Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, nhưng chưa từng nghĩ lại có cơ hội nhìn thấy cá mập đầu búa ngoài đời thực.
Nữ nhân viên văn phòng đam mê lặn, thích du lịch một mình
Hà Mi, sinh năm 1993, hiện đang làm việc cho một tổ chức giáo dục hướng tới các tài năng trẻ tại Hà Nội. Cô tâm sự, cơ duyên khiến cô có niềm đam mê lặn biển rất bất ngờ.
Năm 2019, khi đang làm việc văn phòng, cô gái Hà Nội thấy không còn hứng thú với nhịp điệu nhàm chán "ngày đi làm, tối về nhà". Một điều gì đó thôi thúc cô cần thay đổi để cuộc sống có thêm điểm nhấn.
Nghĩ là làm, sau khi nghỉ việc, cô liên hệ với một trung tâm lặn ở TPHCM để đăng ký học. Sau 4 ngày học lý thuyết và thực hành ở Nha Trang, cô nhận bằng Open Water (loại bằng lặn cơ bản).
Một thời gian sau, Mi theo học các chứng chỉ kỹ năng về lặn sâu, cho phép người lặn xuống độ sâu 18m - 40m, lặn nitrox - dạng bình khí hỗn hợp, lặn định hướng Navigation để biết phương hướng, tránh lạc giữa biển.
Đầu năm 2023, cô quay lại Phú Quốc và học thêm kỹ năng lặn đêm để nâng cấp bằng lên cấp độ "Advanced Open Water". Với cấp độ này giúp cô cải thiện kỹ năng vì muốn theo đuổi đam mê này lâu dài.
Sau khi có trong tay chứng chỉ và kinh nghiệm nhất định, Mi dần chinh phục các điểm lặn từ Nha Trang, Phú Quốc, Hội An, cho tới nhiều điểm đến xung quanh khu vực Đông Nam Á như Moalboal, Cebu ở Phillipines; Bali, Indonesia hay Similan, Phuket tại Thái Lan.
Với vùng biển nước ngoài từng trải nghiệm, Mi ấn tượng nhất với Indonesia và cho rằng nơi này sở hữu hệ sinh thái biển đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.
Đăng ký trước 7 tháng, chuẩn bị sẵn tinh thần chinh phục vùng biển có cá mập
Trước khi sang Malaysia "chinh phục" vùng biển Sipadan, Hà Mi đăng kí qua trung tâm lặn Scuba Junkie trước 7 tháng và chuẩn bị sẵn tâm lý vững vàng để trải nghiệm.
Từ lâu, Sipadan được coi là thiên đường lặn biển ở Malaysia. Đây là hòn đảo núi lửa duy nhất của quốc gia này, nằm ở biển Celebes ngoài khơi Sabah.
Đảo hình thành từ san hô sinh trưởng trên đỉnh núi lửa đã tắt suốt hàng nghìn năm. Hệ sinh thái tại đây có hơn 3.000 loài cá và hàng trăm loại san hô. Với vị trí nằm tại trung tâm lòng chảo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Sipadan trở thành một trong những vùng biển trù phú nhất thế giới.
Không phải du khách nào cũng có thể tới đảo Sipadan lặn biển. Mi cho biết, từ năm 2023, chính phủ Malaysia yêu cầu khách lặn biển phải có bằng lặn "Advanced Open Water" (chứng chỉ lặn quốc tế) và kỹ thuật tốt.
Để bảo tồn hệ sinh thái biển, khu vực này chỉ giới hạn 100 người lên đảo trong một ngày. Sau khi chọn gói lặn, phía trung tâm bên Malaysia sẽ lo các vấn đề liên quan tới việc đăng ký lên đảo.
Cô cho biết, vùng nước ở Sipadan rất sâu. Nửa phía Bắc của đảo có độ sâu khoảng 2.000m, còn phía Nam khoảng 600m. Khi lặn xuống, du khách có thể cảm nhận nước mặn khu gần bờ và áp lực nước rất rõ.
"Nước đặc hơn do nồng độ muối cao nên khi lặn sẽ tốn sức hơn nhiều nơi khác. Địa hình hòn đảo một bên là vực, phía kia là biển rộng và sâu. Khi có dòng chảy mạnh, người lặn cần thuần thục các kỹ năng và không được hoảng loạn. Nếu bơi hẳn ra ngoài biển không còn các rạn san hô nữa, bạn chỉ thấy xung quanh biển nước, không phân biệt nổi phương hướng", Mi mô tả.
Và khoảnh khắc không thể quên được trong suốt chuyến đi đó là giây phút Mi được tận mắt nhìn thấy đàn cá mập đầu búa. Với cô, đó là cảm giác "rất sốc, không thể ngờ tới" và "vui sướng cực độ".
"Loại cá mập đầu búa tôi may mắn được gặp có thân hình thuôn dài, cơ bắp rắn chắc chạy dọc thân. Khi bơi, phần cơ bắp sẽ chuyển động tạo ra những cú lượn mềm mại nhưng đầy sức mạnh. Chúng vô tình xuất hiện trước mắt tôi trong vài phút rồi biến mất và không gây hại gì tới con người", cô nhớ lại.
Được biết, cá mập đầu búa hiện nằm trong danh sách cực kỳ nguy cấp theo số liệu từ Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Dù chưa có thống kê rõ ràng về số lượng loài này trên toàn cầu, nhưng các chuyên gia nhận định, chúng đang giảm dần.
"Dù đã lặn nhiều vùng biển nhưng lần đầu được nhìn thấy loài cá mập hiếm có thuộc Sách Đỏ khiến tôi thấy quá may mắn", Mi hào hứng kể.
Cũng trong chuyến lặn biển này, cô còn được tận mắt nhìn thấy vài loài cá mập nhỏ khác. Chúng sống ở rạn san hô, tiêu thụ các loài cá nhỏ và cũng không gây ảnh hưởng tới các thợ lặn.
Do đăng ký với trung tâm lặn Scuba Junkie nên cô được hỗ trợ mọi dịch vụ từ phòng ốc, ăn uống, thiết bị lặn và ekip đi cùng. Tổng chi phí chuyến đi hết khoảng 35 triệu, trong đó bao gồm tiền vé máy bay khứ hồi, chi phí cho trung tâm 24 triệu, chi phí ngủ tại sân bay và một vài chi tiêu lặt vặt.
Thông qua những chuyến đi thế này, Mi mong muốn nâng cao nhận thức của những người xung quanh về cá mập. Các hoạt động đánh bắt để lấy vây đang khiến cá thể nhiều loài sụt giảm và khó phục hồi trở lại. Trong khi cá mập đóng vai trò rất quan trọng bởi đứng đầu chuỗi thức ăn và giữ cân bằng cho hệ sinh thái.